Tết cổ truyền của người La Hủ
Những tiết mục dân ca dân vũ được thể hiện trong ngày tết cổ truyền.
Vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch, khi thu hoạch mùa xong cũng là thời điểm người La Hủ đoàn tụ, vui xuân đón Tết cổ truyền 3 ngày liền. Đây là Tết to nhất của người La Hủ.
Trong ngày Tết đầu tiên, gia đình nào cũng làm bánh giày và thịt lợn, lấy lá gan con lợn để xem vận hạn trong năm tới của gia đình. Lợn thường là lợn đực, khỏe mạnh, đẹp mã...
Phụ nữ La Hủ chuẩn bị làm bánh giầy.
Theo phong tục của người La Hủ, ngày Tết đầu tiên chỉ những người trong dòng họ (chung tổ tiên một đời) đến nhà đặt ban thờ chúc Tết.
Ngày Tết thứ 2, khi con gà đầu tiên trong bản cất tiếng gáy, các gia đình thường cử 1 người đến đầu nguồn lấy nước sạch về làm cơm cúng tổ tiên. Lễ vật dâng cúng có men ruợu, củ gừng, cơm, thịt lợn và bánh giầy được bày trên mâm nhỏ đặt ở đầu giường ngủ của vợ chồng gia chủ.
Chủ nhà quỳ trước mâm lễ khấn tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu; vật nuôi lớn nhanh, không ốm đau, dịch bệnh... Sau đó, các gia đình đến thăm nhà nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.
Nét đặc biệt nữa là, trong 3 ngày Tết, chủ nhà trực tiếp làm lễ cúng thì không ra khỏi bản, không đi ngủ ở nhà khác, kiêng sát sinh chó, dê; quét nhà ủ vào một góc, hết Tết mới bỏ rác đi.
Ba ngày Tết, các chàng trai, cô gái La Hủ với những bộ trang phục mới, sặc sỡ say sưa hòa mình trong các trò chơi dân gian hay các điệu dân ca dân vũ trong tiếng trống chiêng rộn ràng tại các bản.
Hiện nay, hầu như bà con La Hủ đã ăn Tết cổ truyền trùng thời gian với các dân tộc khác, song những nét riêng trong phong tục đón Tết Khô Chà vẫn được duy trì, gìn giữ.
Nông Thị