Tây Nguyên phát triển sắn ồ ạt, không theo quy hoạch (13/02/2012)
Trong vài năm gần đây, giá sắn trên thị trường tăng cao, dễ trồng nên đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đổ xô tìm đất để trồng sắn bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các địa phương hiện đã phát triển cây sắn một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, khó kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất. Tính đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tăng diện tích cây sắn lên 157.141 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2006, trong đó, tập trung nhiều nhất là tỉnh Gia Lai với 63.352 ha, tỉnh Kon Tum tăng lên 41.709 ha, Đắk Lắk là 30.379 ha. Diện tích đất trồng sắn tăng mạnh đều do đồng bào các dân tộc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép hoặc chuyển diện tích đất trồng ngô, đậu sang trồng sắn. Thậm chí, một số vùng đồng bào các dân tộc còn chuyển diện tích cây điều năng suất thấp sang trồng sắn. Tại các huyện Ea Súp, Ea H'Leo, Krông Bông (Đắk Lắk) trước đây chỉ có vài nghìn ha đất trồng sắn, nhưng nay đồng bào các dân tộc đã lấn chiếm hàng chục nghìn ha đất rừng trái phép để trồng sắn. Nghiêm trọng hơn, trong quá trình sản xuất, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên chỉ tập trung khai thác triệt để nguồn dinh dưỡng trong đất mà không chú trọng đến chế độ đầu tư thâm canh cũng như áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, cải tạo đất, nhất là một số diện tích sắn trồng trên các chân đất dốc gây xói mòn dẫn đến suy thoái, đất bạc màu. Tiến sỹ Nông học Y Ghi, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk cho biết, không thể phủ nhận những đóng góp của cây sắn trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực cho đồng bào các dân tộc ở những vùng đất cằn cỗi, góp phần xoá đói giảm nghèo cũng như tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản của các tỉnh những năm qua. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch phát triển phù hợp thì đây là cây trồng nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất. Thực tế cho thấy qua những diện tích đất trồng 3 vụ sắn liên tục thì sau đó nếu trồng lại bất cứ loại cây ngắn, dài ngày nào cũng đều kém hiệu quả kinh tế dù có thâm canh, bón phân cải tạo đất. Các tỉnh Tây Nguyên cần sớm điều tra, tiến hành quy hoạch tổ chức sản xuất, đồng thời, chú trọng hơn nữa việc áp dụng các giống mới cũng như công tác đầu tư thâm canh, xen canh, luân canh, không độc canh và quảng canh cây sắn nhằm tăng năng suất, hiệu quả và phát triển nông nghiệp bền vững trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Phương Linh