Tây Nguyên: Hiệu quả lớn từ tín dụng chính sách xã hội

Gia đình anh H’Nich, dân tộc Ba Na ở làng K’Tăng (xã K’Dang, Đắk Đoa, Gia Lai) vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư trồng cà phê hiệu quả cao.
15 năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của T.Ư, khu vực Tây Nguyên có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Cùng với các bộ, ngành, Ngân hàng CSXH bám sát chủ trương, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên của Đảng và Chính phủ để tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện phát triển KTXH của địa phương, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn. Thông qua 725 Điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, thực hiện cơ chế công khai, thuận tiện cho sự kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội (CTXH) tại địa phương, Ngân hàng CSXH đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách. Tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên từ khi Ngân hàng CSXH đi vào hoạt động đến hết năm 2017 là 35.650 tỷ đồng, với gần 2,3 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hằng năm tại khu vực Tây Nguyên là 23,4%. Vốn tín dụng chính sách đầu tư tại Tây Nguyên 15 năm qua góp phần giúp 362.000 hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho gần 230.000 HSSV nghèo được vay vốn đến trường; tạo việc làm cho hơn 142.000 lao động; xây dựng, cải tạo hơn 43.000 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng hơn 577.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình tại khu vực nông thôn; giúp cho gần 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng tại khu vực Tây Nguyên không ngừng được củng cố, nâng cao.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng tín dụng chính sách trong vùng đó là sự vào cuộc đầy quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức CTXH, trong đó nổi lên là vai trò của các cấp Hội CCB Việt Nam nhận ủy thác tại địa phương cùng Ngân hàng CSXH thường xuyên theo dõi, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, đồng thời, tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên, như: Chính sách cho vay người lao động của huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo... và tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH các tỉnh trong khu vực cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức CTXH nhận ủy thác thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, buôn, làng. Tổ tiết kiệm và vay vốn là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, vừa là nơi để Ngân hàng đưa các nghiệp vụ về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả hơn. Cùng với đó, các tổ chức CTXH còn giúp các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn có điều kiện được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT... qua đó tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân vay vốn với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ và ngay gần nơi sinh sống, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay không chính thức, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở.

Bài và ảnh: Lương Xuân