Tây Nguyên: 5 năm, 2.400 trường hợp tự tử

Hiện tượng tự tử diễn ra tập trung ở một số DTTS tại chỗ, nhiều nhất ở cộng đồng dân tộc Ba-na, Gia-rai, Ê-đê, Xê-đăng... Trong đó, dân tộc Ba-na tại tỉnh Gia Lai có số lượng người tự tử cao nhất (757 trường hợp), tiếp đến là dân tộc Gia-rai ở tỉnh Gia Lai (666 trường hợp) và dân tộc Ê-đê ở Đắk Lắk (302 trường hợp). Cùng một dân tộc nhưng ở các buôn/làng theo tín ngưỡng tôn giáo khác nhau lại có mức độ tự tử khác nhau. Các buôn/làng theo tín ngưỡng truyền thống có tỷ lệ tự tử cao hơn so với các buôn/làng theo tôn giáo mới là Công giáo và Tin Lành. Hiện tượng tự tử chủ yếu diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển.

Nguyên nhân trực tiếp tình trạng tự tử ở Tây Nguyên chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn gia đình với những lý do hết sức đơn giản và nhỏ nhặt. Còn nguyên nhân sâu xa, hiện tượng này bắt nguồn từ: Tình trạng thiếu hiểu biết, không có kỹ năng tự bảo vệ bản thân; lối sống thụ động, trông chờ ỷ lại, không có động lực phấn đấu; kinh tế nghèo nàn, thiếu thốn đi liền với những biến đổi nhanh của xã hội mà người DTTS Tây Nguyên khó thích nghi; phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong nếp nghĩ của hầu hết các DTTS Tây Nguyên. Các yếu tố tác động đến tự tử, ngoài những yếu tố thuộc về văn hóa và tâm lý tộc người, còn bị ảnh hưởng và tác động bởi các yếu tố khác như sự du nhập của đa dạng văn hóa, tệ nạn uống rượu...

Tình trạng tự tử xảy ra nhiều, ngày càng nghiêm trọng sẽ gây nên những tác động tiêu cực cho phát triển KT-XH địa phương, đồng thời còn ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

Để tránh những hệ lụy đáng tiếc, giảm thiểu, ngăn ngừa, phòng, chống tự tử trong đồng bào DTTS Tây Nguyên, cần thiết phải vận dụng các biện pháp mềm mỏng, linh hoạt. Trong đó, tuyên truyền là giải pháp thường xuyên, cần duy trì với các hình thức dễ tiếp thu, không ngừng đổi mới, phù hợp với đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên. Giáo dục kỹ năng sống được xem là giải pháp mang tính lâu dài. Cùng với đó là hàng loạt các biện pháp bổ trợ quan trọng khác trực tiếp ngăn chặn tình trạng tự tử như: Kiểm soát chất lượng rượu và tình trạng uống rượu của bà con; giảm, tiến tới cấm bán các loại thuốc bảo vệ thực vật gây tử vong cao...

Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng và có tính quyết định đến sự thành công trong việc giải quyết không chỉ tình trạng tự tử mà còn các tệ nạn xã hội khác trên địa bàn. Với sự quan tâm, quyết liệt hành động của các cấp, các ngành, tin rằng tình trạng tự tự sẽ giảm và tiến tới mất dần, góp phần quan trọng vào ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên.

ThS. Nguyễn Thị Tư