Tay không diệt đồn địch (01/11/2013)
Trước Quốc kỳ, Đảng kỳ và chân dung lãnh tụ, đồng chí bí thư chi bộ ôn lại lịch sử oai hùng của non sông đất nước; lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và của Đảng ta đã tổng khởi nghĩa thành công. Cuộc kháng chiến trường kỳ đang ngày càng thắng lợi, anh em bộ đội không may sa vào tay giặc phải kề vai sát cánh, đồng lòng, đồng sức, dùng mưu cao để tự giải phóng, trở về với gia đình, đơn vị, góp sức giải phóng cho Tổ quốc. Chứ lẽ nào là đấng nam nhi, con Hồng, cháu Lạc, phải chịu bó tay cho lũ giặc xâm lăng hành hạ, sai khiến.
Thấy nét mặt rạng rõ của anh em, Mai Chiến Lương đọc mấy câu thơ của thủ khoa Huân:
Ba phen xoay xở ba cơn lốc/ Một tác ung dung, một tấm gương/ Thử hỏi trên đời! Gì cũng nhất!/ Phách anh hùng hay đá hoa cương!
Bỗng có nhiều tiếng hô lên: Phách anh hùng. Nghe vậy anh Tý, phóng viên báo Người lính liền ngâm bài thơ vừa sáng tác trong nhà lao:
Nhớ năm nào, cứ mỗi lần phượng nở/ Quân dân ta vui sướng đón hè về/ Rồi năm nay, ngoài trời hoa phượng nở/ Ngồi trong tù nhớ lại những ngày qua/ Lòng sôi lên… Chực muốn tung ra/ Máu đổi máu với quân thù ác nghiệp!
Trời về khuya, cấp uỷ họp bí mât bàn mưu chước đánh đồn Sầm để giải thoát cho tù binh. Kế hoạch được bàn tỉ mỉ, vì nếu sai một ly đi một dặm.
Về địch đồn Sầm chốt trên Đông Sầm, một vị trí nửa chìm nửa nổi được xây dựng ở Dạ Lê, cách TP Huế khoảng 10km về phía tây nam, để án ngữ cho tuyến sân bay Phú Bài nằm gần tỉnh lộ số 1, có một trung đội Com-măng-đô canh giữ dưới sự chỉ huy của một thiếu úy người Pháp. Trên lô cốt chúng bố trí một khẩu đại lên 12 ly 7, ngày trùm kín vải bạt, có thiếu úy, trung sĩ, hạ sĩ và hai xạ thủ. Ngoài cổng vào có một ụ đất cao, có lính gác mang tiểu liên và hai xạ thủ giữ trung liên. Quanh lô cốt có 9 tổ, mỗi tổ có 3 lính, có 3 súng ngắn. Tổ nào cũng có 1 tấm lều bạt để che mưa che nắng. Tùy từng ngày, quân số chúng có khoảng 25 đến 38 tên. Binh lính địch rất hung hăng, bọn chúng chủ quan, khinh thường. Anh em trong nhà lao giả vờ lao động tích cực, lân la trò chuyện để cảm hóa bớt tính hung hãn dã man của chúng. Có lần bọn chúng gọi đã anh em vào bạt trú nắng ban trưa. Theo dõi tình hình, đã mười hôm không thấy chi viện, trông thật ngon ăn.
Tình hình bên ta, hằng ngày địch huy động 80 đến 100 anh em tù binh ở lao Tòa khâm Huế đến Đồn Sầm phục dịch lao động từ 7 giờ sáng đến chiều; nghỉ ăn trưa từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ. Giặc có vũ khí, ta có cuốc xẻng, búa, xà beng, nhưng hơn 80 anh em tù binh này là lính Trung đoàn 95, có một phần Trung đoàn 101 đã qua huấn luyện chiến đấu, sử dụng vũ khí thành thạo qua nhiều trận mạc, sức lực tráng kiện, ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm ngày đêm ước mơ vượt ngục về với đồng đội, đồng bào.
Bố trí lực lượng, địch có 9 tổ, mỗi tổ có 3 tên, bên ta bố trí 10 tổ, mỗi tổ có 6 người, dùng 2 chọi 1 và 2 tổ dự phòng. Tập trung ưu tiên cho tổ đánh chiếm ụ súng đại liên và trung liên. Các đồng chí cấp uỷ ở các tổ đánh trọng điểm. Tổ quan trọng nhất do đồng chí Bí thư chi bộ chỉ huy để diệt ổ chỉ huy của đồn giặc. Tổ nào cũng có đảng viên cốt cán, có người vật khỏe, chờ lúc nào có ám hịêu, chiếc nón lá từ trên chòi lô cốt của đồng chí Bí thư liệng xuống đất, là giờ hành động đã đến. Nghe hiệu lệnh “Cực da diết lắm anh em ơi” thì các tổ đồng loạt hô “xung phong” vừa chiến đấu vừa hô áp đảo “Đầu hàng thì sống, chống thì chết”. Giờ hành động đúng 12 giờ trưa ngày 30-8-1951, là ngày giữa tuần lễ, địch dễ chủ quan. Trưa đứng bóng nóng nực, địch hay buồn ngủ ta dễ đánh. Bí mật bất ngờ, chủ động quyết tâm hợp đồng động tác là yếu tố quyết định thắng lợi. Các tình huống đã cân nhắc kỹ, nếu đánh nhau thắng nhanh, thì rút nhanh theo hướng mục tiêu đã định trước. Nếu bọn Com-măng-đô chống cự, thì tập trung hỏa lực tiêu diệt bọn ác ôn còn đề kháng, rồi rút nhanh. Nếu địch kịp chi vịên, ta vừa bắn trả, bắn uy hiếp, vừa rút nhanh gọn để kịp thời về dự kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Từ ngày 20 đến 29-8, không thấy địch thay đổi quy luật. Anh em nhắc nhau tuyệt đối giữ bí mật, lân la tình cảm với bọn lính. Cấp ủy hội ý hằng ngày, nhắc anh em giữ gìn sức khỏe; anh em tin tưởng nghìn năm có một, chắc thắng 100%, nhưng trong suốt 10 ngày vẫn thao thức.
Thời gian đã đến ngày 30-8, kế hoạch vẫn không thay đổi, chúng điều động 80 tù binh lên xe ô tô chở về Đồn Sầm. Ai nấy vừa lao động vừa lo bài binh bố trận. Giờ ăn trưa đã đến, trời nắng chói chang, gió nam thổi vù vù, bọn Com-măng-đô ăn xong, chui vào lều bạt buông súng nghỉ trưa. Cấp ủy nhìn nhau làm ám hiệu, về vị trí đã phân công giả vờ ngủ, lắng nghe chờ mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu. Đúng 12 giờ, chiếc nón trên lô cốt được liệng xuống, bọn lính vẫn nằm yên. Sau khi đã quật ngã tên đồn trưởng, đồng chí Bí thư hô to “xung phong”, hơn 80 chiến sĩ ta đồng loạt thét lên “xung phong, xung phong” rồi lao vào các lều bạt, vừa cướp súng vừa hô “Đầu hàng thì sống, chống thì chết”. Chỉ trong chớp nhoáng, bọn địch xin đầu hàng, rất tiếc có một tên chạy thoát bắn trả làm đồng chí Giọi hi sinh. Sau một phút, ta thu dọn chiến trường, thu 32 súng các loại và nhiều đạn dược, một ống nhòm. Bọn Com-măng-đô ngồi ủ rũ xin tha chết.
Đồng chí Bí thư dõng dạc tuyên bố:
- Thực hiện chính sách khoan hồng của Bác Hồ và của QĐND Việt Nam, chúng tôi tha bổng cho anh em lầm đường lạc lối trở về làm ăn lương thiện. Tất cả anh em chúng ta, từng tổ 3 người, súng đạn sẵn sàng rút lui về địa điểm tập kết. Tổ hậu cần nghênh rước thi hài đồng chí Giọi về mai táng theo nghi thức quân đội.
Anh em rút lui an toàn và hát bài “Nhớ chiến khu”. Khi đi qua Nguyệt Biều, gặp đội du kích và đồng bào vô cùng phấn khởi. Ngoảnh nhìn dòng sông Hương Giang trong veo, đôi bờ tre hóp xanh tươi, gió mát vui làm sao. Trời đẹp quá!...
Hoàng Đức Lộc