Tất cả các nhóm hàng đều tăng giá (12/11/2010)
Một trong những mặt hàng được cho là tăng chóng mặt nhất hiện nay là thịt lợn. Theo lý giải của một số thương lái tại chợ đầu mối phía nam thì do đợt dịch lợn tai xanh vừa qua, số lượng lợn nhiễm bệnh nhiều đến nay không còn lợn xuất chuồng đã đẩy giá thịt lợn móc hàm tại các chợ tăng. Đến đầu tháng 11, giá thịt lợn móc hàm bán buôn từ 46.000 – 48.000đ/kg đã tăng lên 55.000đ/kg, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ tăng trung bình từ 5.000 – 10.000đ/kg. Khảo sát tại các hộ giết mổ gia súc tại lò giết mổ Thịnh Liệt thì nguồn lợn từ Trung Quốc chuyển về giảm, lượng thịt lợn từ các tỉnh chuyển về ít nên giá cả tăng. Giá thịt bò từ ngày 7.11 cũng chính thức tăng thêm 10.000đ/kg, thịt gia cầm tăng 5.000 – 10.000đ/kg.
Giá lương thực cũng tăng trung bình từ 1.000 – 2.000đ/kg, phổ biến nhất là gạo tẻ ngon tăng 1.200đ/kg. Một số loại gạo nhập khẩu hoặc giống nhập khẩu tăng từ 2.500 – 3.500đ/kg. Đến ngày 8.11, giá nhiều loại hoa quả tăng từ 2.000 – 3.000đ/kg, hoa quả nhập khẩu tăng từ 7.000 – 10.000đ/kg. Riêng mặt hàng rau xanh tăng trung bình từ 3.000 – 5.000đ/kg (cá biệt rau cải ngọt tăng 5.000đ/kg).
Bắt đầu từ tháng 11, các hãng kinh doanh gas đã chính thức niêm yết giá bán mới với mức tăng thêm từ 24.000 – 25.000đ/bình so với tháng 10, duy trì ở mức từ 300.000 – 325.000đ/bình (loại 12kg).
Đến đầu tháng 11, các DN thực hiện dự trữ hàng hoá theo số lượng đã đăng ký. Qua kiểm tra thực tế, các DN bán hàng bình ổn đúng theo giá đã đăng ký với Sở Công Thương. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là mặc dù tại thị trường tự do, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh nhưng người dân vẫn không mua hàng bình ổn giá.
Thực tế khảo sát tại một số điểm bình ổn giá thì giá tại đây được bán cao hơn so với giá thị trường. Giá đường kính: 22.000đ/kg nhưng thực tế ngoài thị trường chỉ có 21.000đ/kg, giá dầu ăn tại điểm bán bình ổn Simply: 168.000đ/can (5 lít) nhưng ngoài thị trường 163.000 – 165.000đ/can...
Trước khi có chương trình bình ổn giá thì nhiều mặt hàng ở siêu thị cao hơn so với giá thị trường khoảng từ 5 – 10%. Cá biệt mặt hàng sữa, dầu ăn, đường kính có lúc siêu thị, trung tâm thương mại cao hơn thị trường từ 10 – 15%. Vì vậy, giá bán tại các điểm bình ổn mặc dù đã được đăng ký với cơ quan quản lý nhưng so với mặt bằng giá chung ngoài thị trường thì vẫn cao hơn.
Quỳnh Anh (TH)