Hội nghị diễn ra trong chiều 24/10 tại Hà Nội, với sự tham dự của Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương thành viên Ban chỉ đạo.

Đánh giá tình hình công tác năm 2012, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định công tác đảm bảo an ninh trật tự đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các hoạt động đối ngoại của đất nước. Sự gia tăng của các loại tội phạm được kiềm chế, nhất là các tội phạm nguy hiểm như giết người, tội phạm ma túy, cướp giật... Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, tài chính ngân hàng, tội phạm tham nhũng có nhiều kết quả tốt, được dư luận nhân dân đánh giá cao.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho biết tình hình tội phạm vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều tội phạm mới; các băng nhóm xiết nợ, đòi nợ thuê hoạt động, gây án ở nhiều nơi; tội phạm giết người thân, giết trẻ em xuất hiện nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân. Số vụ chống người thi hành công vụ gia tăng; tội phạm kinh tế, tham nhũng, ngân hàng diễn ra đặc biệt nghiêm trọng. Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán ma túy số lượng lớn vẫn tiếp diễn với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, nguy hiểm…

Báo cáo của Ban chỉ đạo do Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trình bày tại hội nghị cho thấy năm 2012, lực lượng công an các cấp đã điều tra, khám phá trên 37 ngàn vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 75,43%), số băng, nhóm tội phạm bị triệt phá tăng 6,22%. Hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm đều được điều tra, xử lý kịp thời. Lực lượng công an đã phát hiện, điều tra, xử lý trên 11.000 vụ phạm tội về kinh tế, trên 18.000 vụ tội phạm ma túy; truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại hơn 9.000 đối tượng truy nã các loại (tăng 10,7%).

Ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo tại buổi làm việc đề nghị cần xác định trọng tâm của các kế hoạch, chủ trương trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng chú ý hơn nữa đến các biện pháp truy thu tài sản trong các vụ án kinh tế, đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước. Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đề nghị đưa vào nội dung sửa đổi Bộ Luật hình sự một số tội phạm mới có hành vi lũng đoạn, thâu tóm ngân hàng.

Ghi nhận những kết quả ban đầu, nhấn mạnh đến diễn biến tội phạm vẫn rất phức tạp trong xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho rằng Ban chỉ đạo chưa làm tròn trách nhiệm của mình, chưa thực sự chủ động trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng nêu rõ công tác nắm tình hình chưa thực sự đạt yêu cầu; việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền các cấp chưa hiệu quả; quá trình triển khai các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ, còn để xảy ra bị động.

Chỉ ra bài học kinh nghiệm, Phó Thủ tướng khẳng định nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm cao, huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân thì tội phạm giảm. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của mình theo từng lĩnh vực.

“Phải phấn đấu để công tác phòng chống tội phạm phải đến được từng cơ sở, từng khu dân cư,” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo hoàn thiện chế độ, chính sách phục vụ Chương trình theo hướng động viên, khen thưởng thường xuyên, kịp thời gương người tốt, việc tốt trong phòng chống tội phạm; nghiên cứu thành lập Quỹ phòng chống tội phạm. Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức các cấp, các ngành và toàn xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đối với lực lượng chuyên trách, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công an tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; kiên quyết, khẩn trương xử lý, triệt phá các ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy; đấu tranh mạnh mẽ đối với tội phạm có hoạt động nổi lên trên các tuyến, địa bàn, các ngành, các lĩnh vực trọng điểm; xử lý nhanh chóng các vụ án trọng điểm, nghiên cứu, làm rõ kẽ hở trong quản lý kinh tế, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, chỉnh sửa để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước./.

(Theo TTXVN)

Bảo Lâm