Tập trung tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa rõ danh tính, 200.000 hài cốt liệt sĩ (HCLS) chưa quy tập. Tại Nghĩa trang Ðường 9, nơi yên nghỉ của 9.423 liệt sĩ, có tới 5.404 liệt sĩ chưa biết tên; Nghĩa trang huyện Hải Lăng, Quảng Trị có 1.699 liệt sĩ thì 1.219 liệt sĩ chưa biết tên; Nghĩa trang huyện Vĩnh Linh có 5.483 liệt sĩ thì 2.114 liệt sĩ chưa biết tên...
Tại Hội nghị của Ban chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm HCLS (Ban chỉ đạo 1237) về đánh giá kết quả thực hiện công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ vào cuối năm 2017, Trung tướng Đỗ Căn - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết: Năm 2017, toàn quốc quy tập được 2.368 HCLS, trong đó ở trong nước là 1.156, ở Lào là 338 và Campuchia là 874, đạt gần 95% chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy, trong đó có khoảng 195.000 liệt sĩ nằm rải rác trên mọi miền đất nước. Số còn lại nằm ở chiến trường Lào, Campuchia... Kết quả trên dù chưa toại nguyện, nhưng là sự nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đối với công tác tri ân các liệt sĩ và thân nhân của họ.
Kể từ khi Đề án 1237 được triển khai, T.Ư Hội CCB Việt Nam đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng phối hợp cung cấp thông tin, tham gia tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ. Theo báo cáo từ các Tỉnh, Thành hội, trong 4 năm qua, Hội đã cung cấp chuyển về các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng hơn 600.000 phiếu ghi thông tin giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị. Các cấp Hội cung cấp gần 5.500 thông tin chính xác về nơi chôn cất liệt sĩ; có gần 1.300 CCB, 700 tổ chức Hội, Ban liên lạc trực tiếp tham gia quy tập gần 4.000 HCLS; cung cấp thông tin và giúp gia đình liệt sĩ tìm kiếm, di chuyển hơn 10.000 phần mộ liệt sĩ về quê hương. Trong lễ ký kết phối hợp giữa Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 với Hội CCB Việt Nam về Chương trình tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập HCLS năm 2017, Trung tướng Đỗ Căn nhấn mạnh: Các cuộc chiến tranh ngày càng lùi xa; địa hình những nơi chôn cất liệt sĩ trước đây có sự thay đổi, các nhân chứng trực tiếp ngày càng khó khăn, do tuổi cao, già yếu. Vì vậy, thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ mà CCB cung cấp là rất quan trọng, vì họ trực tiếp chiến đấu, chôn cất đồng đội; hơn nữa họ còn biết đánh giá, chuẩn hóa thông tin, xác định những thông tin xác thực để cung cấp...; công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 1237 và T.Ư Hội CCB Việt Nam trong tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập HCLS là rất cần thiết. Chương trình phối hợp được thực hiện thường xuyên từ năm 2017 đến 2020 và những năm tiếp theo.
Với phương châm “Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”, Ban Chỉ đạo 1237 các cấp chỉ đạo quyết liệt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; trong đó, trọng tâm là ở các địa bàn trong nước. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 mở rộng quan hệ hợp tác với các nước để cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức đoàn công tác thăm, làm việc với các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Lào, Campuchia để trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin về quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh; hợp tác tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ Việt Nam an táng ở nước bạn về nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập HCLS, Ban chỉ đạo 1237 đã chính thức khai trương website: thongtin lietsi. gov.vn về quản lý thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Website do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH phối hợp thực hiện và được triển khai vào những ngày đầu năm 2018.
Bước vào năm mới 2018, Ban Chỉ đạo 1237 đề ra mục tiêu trong năm là tập trung hoàn thành công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ và tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Triển khai lập bản đồ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu đạt 50% địa bàn cấp xã. Tìm kiếm quy tập khoảng 2.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó ở trong nước khoảng 1.200, ở nước ngoài khoảng 800.
Mai Anh