Tập trung thanh tra lĩnh vực đang có nhiều bức xúc (26/11/2011)
Theo số liệu báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2011, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai 2.129 cuộc thanh tra, kết thúc 937 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm gần 208 tỷ đồng, hơn 242 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 83 tỷ đồng, hơn 72 ha đất; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý gần 125 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 52 tập thể, 152 cá nhân, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 6 vụ việc và 14 cá nhân. Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong 9 tháng đầu năm 2011, đã khởi tố 161 vụ/327 bị can về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2010, giảm 2,4% về số vụ, giảm 2,3% về số bị can); truy tố 174 vụ/353 bị can về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2010 giảm 26,2% về số vụ, giảm 35,8% về số bị can); xét xử sơ thẩm 167 vụ/392 bị cáo về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2010 giảm 14,3% về số vụ, giảm 8,6% về số bị cáo).
Tại văn bản 18/TB-VPBCĐ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã kết luận: Thanh tra Chính phủ cần tập trung thanh tra lĩnh vực đang có nhiều bức xúc như việc đền bù, thu hồi, giao đất, việc xác định giá, đấu giá quyền sử dụng đất và tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai trong thời gian cuối năm nay và đầu năm sau.
Theo Thủ tướng, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua và trong quý III nói riêng đã đã được những kết quả cụ thể, thiết thực, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Những kết quả đã đạt được đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước, góp phần ổn định xã hội, giảm bớt tình trạng khiếu kiện đông người, đơn thư tố cáo về tham nhũng cũng như số vụ việc tham nhũng xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn có những mặt hạn chế. Những sai phạm trong hoạt động tín dụng, ngân hàng gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước và nhân dân. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Bên cạnh đó, một số vụ tham nhũng nghiêm trọng xử lý chậm, kéo dài, gây hoài nghi trong một bộ phận xã hội về sự kiên quyết, nghiêm minh trong đấu tranh chống tham nhũng.
Tập trung xử lý dứt điểm những vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp
Trong quý IV năm 2011, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung vào các nhóm nhiệm vụ như: Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tập trung vào lĩnh vực phòng ngừa tham nhũng gắn với cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tập trung tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế phối hợp xử lý tham nhũng.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để ngăn ngừa và phát triển tham nhũng. Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra lĩnh vực đang có nhiều bức xúc như việc đền bù, thu hồi, giao đất, việc xác định giá, đấu giá quyền sử dụng đất và tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường trách nhiệm trước pháp luật của chủ đầu tư trong các dự án đầu tư công về sự cần thiết, quy mô dự án, nguồn vốn…
Giải quyết khẩn trương, dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đang gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay. Cụ thể, tập trung vào các vụ việc sau: Vụ sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ việc sai phạm tại Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO); các vụ việc sai phạm trong hoạt động tín dụng, ngân hàng;...
Trong đó, đối với vụ sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xử lý kiên quyết, thận trọng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; vừa xử lý vừa tạo điều kiện kiện toàn, cơ cấu Tập đoàn sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
A Hoàng