Tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn
Những vùng “đất chết” đã và đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cở sở hạ tầng, gây cảm giác bất an cho nhân dân. Gần đây, ngày 26-12-2013, tại khu phố Thạnh Hòa B, phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, ông Quách Hữu Đức, 45 tuổi, cưa đầu đạn pháo 105 ly bị tử vong khi đầu đạn phát nổ. Ngày 22-2-2014, ở buôn Thống Nhất, xã Suối Trai, huyện Sơn Hà, tỉnh Phú Yên, hai cháu Kpa Y Kun và Kpa Y Dung nhặt được đầu đạn liền mang ra đập, đầu đạn nổ, Y Kun tử vong, Y Dung bị thương nặng. Theo thống kê, rất nhiều tai nạn thương tâm do bom mìn gây ra, có gia đình chết cả nhà vì bom mìn phát nổ. Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 700 người là nạn nhân bom mìn thì 147 người đã chết. Cả nước đã có trên 100 ngàn người chết và bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Từ khi Tổ quốc được thống nhất, hòa bình, Nhà nước ta đã tổ chức nhiều chiến dịch rà phá bom mìn, giải phóng đất đai đưa nhân dân về tái định cư, phục hồi sản xuất, hàng năm diện tích đất "hồi sinh" được tăng lên đáng kể, như từ 20 ngàn héc-ta những năm 1999-2010 lên 50 ngàn héc-ta năm 2013. Nhưng với tốc độ như vậy, theo tính toán nước ta vẫn phải mất khoảng 300 năm mới khắc phục xong ô nhiễm bom mìn và kinh phí hết nhiều tỉ đô la. Cùng với những nỗ lực trong nước, chính phủ một số nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hỗ trợ kinh phí, trang bị và nâng cao năng lực khắc phục hậu quả bom mìn như chính phủ Mỹ hỗ trợ trang bị trị giá khoảng 10 triệu USD; Bộ ngoại giao Mỹ hỗ trợ kinh phí để Quỹ “CCB Mỹ tại Việt Nam” (VVAF nay là IC) thực hiện dự án "Điều tra khảo sát bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh" tại 6 tỉnh miền Trung; chính phủ Nhật tài trợ một số thiết bị như máy cắt cây, phá mìn trị giá 11 triệu USD; chính phủ Na Uy và Mỹ thông qua Quỹ “Viện trợ nhân đạo Na Uy” (NPA) đã hỗ trợ xây dựng cơ sở ban đầu cho Trung tâm dữ liệu bom mìn ở Việt Nam trị giá gần 0,5 triệu USD. Ngoài ra chính phủ các nước Bỉ, Anh, Ấn Độ… đã giúp đỡ đào tạo, tập huấn cán bộ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành rà phá bom mìn; Quỹ “Nhi đồng LHQ” tài trợ 5 triệu USD để giáo dục nhận thức bom mìn cho thiếu niên và nhi đồng 6 tỉnh miền Trung... Từ năm 1990 đến nay, đã có gần 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm hỗ trợ nhân đạo cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.
Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất với hơn 170.400ha (chiếm 35% diện tích toàn tỉnh). Từ năm 1999, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức như Bộ Ngoại giao Đức, Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Đức (BMZ), cơ quan phát triển Úc, tổ chức VAI (Ô-trây-li-a), MAG (Anh), CPI (Mỹ), NPA (Na Uy)... với tổng nguồn vốn trên 10 triệu USD. 10 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành 13 dự án rà phá bom mìn trên diện tích 14.917ha, thu hồi gần 10 ngàn quả bom, mìn, vật nổ, tạo điều kiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết: Chương trình 504 giai đoạn 2015 triển khai đề án thành lập Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Nhóm đối tác khắc phục bom mìn, làm đầu mối thực hiện chức năng điều phối, tiếp nhận tài trợ và đối ngoại. Đây sẽ là cơ sở để huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn một cách cơ bản, toàn diện, bền vững. Hy vọng cách làm mới này sẽ nhận được sự ủng hộ và tài trợ của các nước và tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và nhà hảo tâm sẽ mang lại hiệu quả hơn.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm