Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô (23/02/2011)

Tham dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành chức năng.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội hiện nay và dự kiến áp dụng các giải pháp điều hành trong một Nghị quyết của Chính phủ sẽ được ban hành trong những ngày tới đây.

Đóng góp vào bản dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2011, các đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí cho rằng sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay bởi tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao đang gây ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Nghị quyết mang thông điệp rõ ràng, tư tưởng dứt khoát xác định rõ yêu cầu kiềm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có nhiều chỉ tiêu điều chỉnh cao so với trước đây. Theo các đại biểu việc ban hành Nghị quyết thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời và quyết tâm cao của Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội.

Dự thảo Nghị quyết đã nêu đồng bộ các nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường quản lý đầu tư công; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thực hiện lộ trình giá bán xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường; tăng cường bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội và tổ chức thực hiện.

Các đại biểu kiến nghị trong Nghị quyết cần đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư công, nhập siêu và kiên quyết đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, giảm mặt bằng lãi suất vào thời điểm thích hợp... Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để mọi người dân hiểu, đồng thời điều hành xử lý mạnh tình trạng đầu cơ tăng giá, dần xóa bỏ tình trạng đôla hóa và vàng hóa. Các đại biểu nhấn mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai, đôn đốc triển khai Nghị quyết nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các ý kiến đóng góp trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia vào dự thảo Nghị quyết để đối phó với tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp. Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện và sớm ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện đồng thời hoàn thiện Đề án với giải pháp đồng bộ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới đây.

Thủ tướng nêu rõ tên Nghị quyết phải thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu là thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011 , trong đó yêu cầu chính là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát.

Trước hết là Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, điều hành lãi suất phù hợp để chống lạm phát, tỷ giá điều chỉnh phù hợp... Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực đảm bảo đủ ngoại tệ, tăng cường quản lý kinh doanh ngoại hối và vàng- Thủ tướng khẳng định.

Về thực hiện chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa, giảm 10% chi tiêu công, giảm bội chi dưới 5%, các bộ ngành phải rà soát cắt giảm dự án đầu tư công báo cáo Chính phủ trong tháng 3 này. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và kiểm soát chặt chẽ nhập siêu... Điều chỉnh giá điện, xăng dầu xóa bỏ bao cấp gắn với hỗ trợ cho người khó khăn, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng đề nghị cần làm tốt thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, trong đó các bộ trưởng theo lĩnh vực cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

Để Nghị quyết triển khai đạt hiệu quả cao nhất, Thủ tướng đề nghị Chính phủ thực hiện giao ban 10 ngày/lần, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp báo cáo Thường trực Chính phủ những vấn đề phát sinh để có những chính sách phù hợp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp đã đề ra./.

Cao Thúy