Tập trung khắc phục sạt lở vùng ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở.
Đây là nội dung được đưa ra tại Thông báo số 185/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nơi sinh sống của trên 20 triệu người dân. Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là năm 2017 và đầu năm 2018, đe doạ trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển, nhất là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu. Toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km cần sớm được xử lý và tập trung xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương, sự quan tâm của các Bộ. Triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ năm 2017, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã bố trí kinh phí để xử lý, khắc phục 17 trong 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Đối với các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm còn lại cần được bổ sung ngân sách để hỗ trợ các địa phương vùng xử lý, khắc phục kịp thời theo cơ chế phòng chống thiên tai.
Không để tiếp tục xảy ra sạt lở ở những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cùng với triển khai xây dựng công trình kè và đê mềm chống sạt lở tại các khu vực sạt lở xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng, các địa phương và các ngành cần tập trung một số điểm sau: Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý việc khai thác cát trên sông, ven biển, kiên quyết không để tình trạng khai thác cát sỏi không quy hoạch, cấp phép quá mức, không để tàu thuyền vận hành với tốc độ cao gây sóng lớn dọc các sông, kênh rạch.
Bên cạnh đó, tập trung trồng cây, trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, bảo vệ đê điều; nghiên cứu xây dựng các công trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển, kết hợp với việc lấn biển, phòng chống sạt lở, phát triển điện gió nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương ven biển. Rà soát quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn, không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chủ động bố trí lại dân cư, tái định cư, quy hoạch lại sản xuất.
Chủ động hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mê Công, đặc biệt với Trung Quốc, Lào để điều tiết dòng chảy, nhất là trong mùa khô; Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động để xử lý kịp thời hơn. Tập trung xử lý, không để tiếp tục xảy ra sạt lở ở những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, trước hết là tại 25 khu vực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã tổng hợp.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổng hợp, đề xuất danh mục dự án cần xử lý cấp bách, mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương, gửi các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong tháng 5 năm 2018. Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đồng thời bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bảo đảm an toàn, hiệu quả đầu tư; chỉ đạo triển khai thực hiện đúng quy trình thủ tục, quy định của pháp luật theo cơ chế dự án phòng chống thiên tai, đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, dự kiến đề xuất phân bổ phù hợp, chính xác, đảm bảo hiệu quả đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định. Đồng ý về chủ trương bổ sung 36 triệu USD vốn ODA từ dự án WB9 và dự án GMS1 để lập Quỹ chống biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cần tiếp tục tìm các nguồn lực khác để bổ sung vào Quỹ để giải quyết kịp thời hơn những vấn đề bức xúc, cấp thiết do tác động của biến đổi khí hậu.