Tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận người có công

Theo kết quả cuộc Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công (NCC), hiện còn 28.500 trường hợp kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Trong số đó, có 5.900 hồ sơ kê khai đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Để giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC nhằm hướng dẫn các địa phương thực hiện và giải quyết cơ bản trong năm 2017.
Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, ban hành kèm theo Quyết định 408, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tiến hành rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây có thể coi là “cẩm nang” giúp các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan... xác định rõ trách nhiệm, phần việc của mình để thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, các cơ quan và cá nhân cần nghiên cứu kỹ nội dung Quy trình để hiểu đúng, thực hiện đúng, bảo đảm đúng các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện… Đặc biệt, về đối tượng, theo Quyết định 408, trong năm 2017, các địa phương phấn đấu giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh đáp ứng các yêu cầu: Hồ sơ lập trước ngày 1-7-2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm, nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục, hoặc hồ sơ được thiết lập đầy đủ, nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hồ sơ đang lưu trữ tại Sở LĐTBXH, Bộ CHQS tỉnh, thành phố và công an tỉnh, thành phố trở lên (việc thẩm định, xác nhận các hồ sơ không phải hồ sơ tồn đọng vẫn được tiến hành thường xuyên và theo quy định của pháp luật hiện hành). Không xem xét đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận NCC (không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định pháp luật).
Thực hiện làm điểm để rút kinh nghiệm, Bộ LĐTBXH thành lập Tổ công tác của T.Ư, do một Thứ trưởng Bộ LĐTBXH làm Tổ trưởng, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo; thành viên của tổ là cán bộ của các cơ quan chức năng, tổ chức và các hội có liên quan. Tại các tỉnh, thành phố được làm điểm, đến đầu năm 2017, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác T.Ư thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp NCC với cách mạng, gồm 75 liệt sĩ và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Tại một số địa phương khác, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ LĐTBXH, thông qua các khâu, các bước theo quy trình, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác T.Ư thống nhất đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với 39 hồ sơ.
Qua kinh nghiệm làm điểm, nhằm giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐTBXH vừa có cuộc họp với các tỉnh, thành còn tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận NCC, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp yêu cầu: Cần thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định để những NCC xứng đáng được hưởng chính sách ưu đãi. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, phải tận dụng tối đa mọi thông tin nhằm phục vụ việc xác nhận NCC chính xác. Đồng thời, khi có kết quả cần thông báo công khai cho gia đình NCC và nhân dân tại địa phương... Các trường hợp đủ điều kiện sẽ sớm công nhận trước ngày 27-7. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch. Phấn đấu trong năm 2017 tập trung vào giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Số hồ sơ còn lại sẽ tiếp tục giải quyết trong năm 2018. Đây là nhiệm vụ chính trị tiến tới lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ...
Mai Anh