Tập huấn từ thực tiễn sống động
Trung tướng Nguyễn Văn Đạo (bên phải) và GS,TSKH Trương Quang Học (bên trái, hàng trên) tham quan Khu du lịch sinh thái Nhân Tâm. Ảnh: Nghiêm Tiến Hợp.
Sao không bất ngờ cho được. Khi mà chiều hôm trước vừa đến tham quan Khu du lịch sinh thái Nhân Tâm của doanh nhân CCB Cù Văn Thành, ở xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khách Hòa, cách T.P Nha Trang hơn 30km, thì sáng hôm sau GS.TSKH Trương Quang Học, thuộc Viện Tài nguyên Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội đã “đưa hết khu sinh thái” lên màn hình rộng chừng hơn 200 inch rất sống động để dẫn chứng cho bài giảng, với chủ đề: “Ứng phó với khí hậu bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”...
Giáo sư Trương Quang Học say sưa phân tích ý nghĩa phát triển bền vững của Khu du lịch sinh thái Nhân Tâm trong kết hợp hài hòa giữa kinh doanh du lịch với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ví dụ như, thay bằng xây những khách sạn nhà hàng đồ sộ thì chủ nhân Khu du lịch đã dành đất để trồng bảo tồn các loại cây ăn quả quý hiếm của địa phương; rồi khoanh nuôi theo kỹ thuật các loài động vật quý hiếm, như chim đà điểu, tê tê, cá sấu, rắn hổ mang, chồn, vẹt... để thích nghi môi trường tự nhiên. Nhất là một số loại rau, củ, quả trồng hoàn toàn bằng phân vi sinh, khách du lịch có thể ăn ngay tại vườn, đối chứng với những rau cùng loại bày bán ở hầu khắp các nhà hàng trong thành phố “đẹp mã, nhưng không ngon”...; rồi thay bằng những hàng rào sắt, gạch bê tông là những hàng cây xanh mướt, hoa trái sum suê mùa nào thứ ấy, như tre, dâm bụt, chè, đinh lăng...*Chim vẹt thuộc khu du lịch sinh thái Nhân Tâm “thân thiện” với khách du lịch Liên Bang Nga. Ảnh: Nguyễn Thục Anh.
*
Nhờ phát triển đúng hướng mà chỉ sau hơn 10 năm, chủ nhân đã biến khu đất đá đồi trọc rộng 35ha trở thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, giải quyết việc làm cho hơn 70 lao động là người địa phương, lương bình quân từ 4 đến 12 triệu đồng người/tháng, thu hút khách nước ngoài đến tham quan ngày càng đông.
- Tôi mừng quá - Giáo sư xúc động nói - Tôi cám ơn những CCB như doanh nhân CCB Cù Văn Thành đã cung cấp cho tôi “bộ giáo cụ trực quan” sống động. Thế là hôm nay không phải bằng lý thuyết mà bằng thực tế sống động để trả lời câu hỏi: “Vì sao phải bảo vệ môi trường mới phát triển được bền vững?”. Còn vai trò của CCB thì “thực mục sở thị” rồi.
Cả hội trường im phăng phắc nghe GS Trương Quang Học lên lớp một vấn đề “rộng lớn quy mô tầm thế giới” mà dễ hiểu đến mức ai cũng có thể làm theo ngay được.
Hôm trước trên đường vào mở Lớp tập huấn, Đại tá Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam, cho tôi biết thực hiện chỉ đạo của T.Ư Hội về đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, Ban Kinh tế đề ra tiêu chí hướng tới, là “Tập huấn từ thực tiễn sống động”. Để có được mô hình tham quan phù hợp với nội dung tập huấn, Ban Kinh tế T.Ư Hội đã cử 2 Đoàn cán bộ về tỉnh Khách Hòa trước để khảo sát, tìm hiểu chọn mô hình tham quan trước phục vụ nội dung các chuyên đề.
Không chỉ Tài nguyên - Môi trường, mà các chuyên đề khác cũng được Ban nghiên cứu phối hợp với giáo viên lên lớp để tìm phương pháp tiếp cận phù hợp.
Điển hình như những chuyên đề mang tính kinh nghiệm, như cách hỗ trợ để giảm nghèo bền vững; hay giải pháp xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững, thay đề cập ở quy mô toàn quốc bằng mời cơ quan chuyên môn của tỉnh Khánh Hòa đến trao đổi kinh nghiệm. CCB Nguyễn Hoạt - Phó chủ tịch Hội CCB huyện Diên Khách nói vui với tôi: “Cứ thấy giảng viên nói giọng quen quen quê mình là tui (tôi) đã muốn nghe rùi (rồi)...
Còn Chuyên đề về vay vốn, sử dụng vốn Ngân hàng CSXH, Lớp tập huấn phối hợp với giảng viên là Phó giám đốc Ban Tín dụng người nghèo Hồ Lan Hương thuộc Ngân hàng CSXH; chọn nội dung nóng nhất, liên quan đến nhiều người nhất là “Vay vốn nhà ở xã hội” - vấn đề vừa được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng CSXH - năm 2018 cho vay 1.000 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà xã hội mà CCB là một trong những đối tượng chính được vay.
Cả một vấn đề lớn, nhạy cảm đó được giáo viên quy lại thành những câu hỏi cụ thể dễ hiểu, dễ nhớ như: Đối tượng được vay; lãi suất phải trả; địa điểm giải ngân; thu nợ; thu lãi; thời hạn vay; mức trả nợ hằng tháng... Thế là cán bộ về dự tập huấn chỉ cần gạch đầu dòng điền vào những con số ngắn gọn kết hợp với tài liệu hướng dẫn là đủ về hướng dẫn, phổ biến cho cơ sở thực hiện.
Trung tướng Nguyễn Văn Đạo - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị biểu dương những đổi mới trong nội dung tập huấn. Thay cho phát biểu tổng kết, đồng chí Phó chủ tịch đặt ra những câu hỏi gợi mở từ điển hình của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch sinh thái Nhân Tâm; đại ý: Vì sao nói bảo vệ môi trường là để phát triển bền vững? Làm thế nào mà CCB Cù Văn Thành cải tạo được khu đất 32ha cằn cỗi trở thành Khu du lịch sinh thái? CCB Cù văn Thành làm được, chúng ta có học hỏi làm theo được không? Sau hội nghị tập huấn này “Hội ta sẽ có thêm bao nhiêu Cù Văn Thành” nữa?...
Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay không ngớt biểu thị sự quyết tâm “xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng” của những người lính Cụ Hồ trên trận tuyến mới.
Huy Thiêm