Tạo thế trận đấu tranh trong nước kết hợp mặt trận ngoài nước mạnh mẽ

LTS: Trước những diễn biến phức tạp liên quan vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội.
PV: Kính thưa Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh, đồng chí có nhận định gì khi ngày 27-5-2014, Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 sang vị trí mới, vẫn nằm trong vùng biển Việt Nam?
Đồng chí Nguyễn Kim Khoa: Đây là bước leo thang mới nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; đồng thời đây cũng là lộ trình mà Trung Quốc đã xác định nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu áp đặt chủ quyền trên thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta cần phải có biện pháp đấu tranh kiên quyết hơn để Trung Quốc không thể muốn hạ đặt giàn khoan chỗ nào cũng được trong vùng biển của nước ta.

PV: Phản ứng của Quốc hội như thế nào khi chiều ngày 26-5-2014 tàu cá Đà Nẵng số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân bị tàu Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm trên vùng biển của Việt Nam, thưa đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Kim Khoa: Chúng tôi, các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, khóa XIII rất phẫn nộ, cực lực lên án và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động vô nhân đạo, mang tính chất khủng bố đối với tính mạng và tài sản của người dân Việt Nam đang hoạt động kinh tế bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình, đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng lo lắng và đề nghị Chính phủ vừa có giải pháp đấu tranh bằng biện pháp hòa bình hiệu quả hơn, vừa phải có kế hoạch đầu tư tốt hơn, trang bị tốt hơn và tổ chức chặt chẽ hơn để nhân dân yên tâm tiếp tục hoạt động kinh tế có hiệu quả và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam, trong đó có vùng biển Hoàng Sa mà hiện nay Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

PV: Xin đồng chí cho biết, quan điểm của Quốc hội nếu kiện Trung quốc ra tòa án quốc tế?
Đồng chí Nguyễn Kim Khoa: Về vấn đề này, chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì thế việc chuẩn bị sẵn sàng để chúng ta khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển liên quan theo luật pháp quốc tế trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982 đồng thời bác bỏ đường lưỡi bò vô căn cứ mà Trung Quốc tự đặt ra trong khu vực Biển Đông là điều cần thiết, ta nên chuẩn bị sẵn sàng; tuy nhiên, để thực hiện điều này cần phải chuẩn bị các điều kiện một cách toàn diện, chặt chẽ và chọn thời điểm khởi kiện phù hợp, bảo đảm hiệu quả chắc thắng.

PV: Ngày 14-5 vừa qua, Hội CCB Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta, được cán bộ, hội viên và nhân dân cả nước ủng hộ. Xin đồng chí cho biết, lực lượng CCB cần làm gì để cùng đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan và các lực lượng khác ra khỏi vùng biển của Việt Nam?
Đồng chí Nguyễn Kim Khoa: Tôi đánh giá cao hoạt động vừa qua của Hội CCB Việt Nam trong việc đấu tranh phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của chúng ta; hiện nay lực lượng CCB Việt Nam đang có vai trò quan trọng và uy tín trong nhân dân, đồng thời có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức CCB các nước trên thế giới. Vì vậy, tôi nhận thấy trước tình hình hiện nay cần phải được phát huy để tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân trong và ngoài nước nắm vững và đồng thuận cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với các hành động vi phạm của Trung Quốc. Qua đó, xây dựng tình đoàn kết và thể hiện lòng yêu nước một cách thiết thực nhất, góp phần tạo thế trận đấu tranh trong nước kết hợp mặt trận ngoài nước một cách mạnh mẽ để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan và các lực lượng khác ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Tô Kiều Thẩm (thực hiện)