Dấu hiệu khả thi Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây là nội dung của đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013-2020 (do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo). Từ thực tế mức lương tối thiểu của Nhà nước chỉ đáp ứng được 65-70% nhu cầu cuộc sống của người lao động ở mức tối thiểu, dự thảo đề án chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 đề xuất ba phương án nhằm nâng mức lương tối thiểu của CBCCVC, từng bước bảo đảm mức sống tối thiểu và tương quan với mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động, tiến tới tiền lương (gồm cả phụ cấp) sẽ đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động, để giữ và thu hút lao động có chất lượng làm việc trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Phương án thứ nhất là lương cơ bản bằng mức tối thiểu vùng 1, khu vực DN là 2 triệu đồng; thứ hai bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực DN là 1,680 triệu đồng; thứ ba bằng mức chi tiêu đầu người bình quân của cả nước cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái là 3,150 triệu đồng. Cùng với việc cải cách chính sách tiền lương, vấn đề tinh giản biên chế cũng được quan tâm. Vừa qua, Ban Bí thư TƯ Đảng đã thành lập Ban chỉ đạo TƯ xây dựng đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC. Theo đó, vấn đề tăng biên chế sẽ được siết chặt. Năm 2012, chỉ tăng biên chế ở các tổ chức mới thành lập, các cơ quan có thêm chức năng, nhiệm vụ mới. Điểm chung của các đề án là đều tính tới việc trả lương theo vị trí việc làm. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: "Một trong những nội dung quan trọng trong đề án cải cách chính sách tiền lương được Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, trình hội nghị TƯ sắp tới là trả lương theo vị trí việc làm. Đây sẽ là căn cứ để bảo đảm thực hiện tốt, có hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ CBCCVC thông qua các hoạt động tuyển dụng, thi nâng ngạch đối với công chức, thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, với bảng mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm kèm theo sẽ là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá một cách chính xác, khách quan, công bằng đối với CBCCVC". Điều này được xem là phù hợp khi dự thảo đề án "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020" đã đưa ra lộ trình đến năm 2015, 50% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu CBCC theo vị trí việc làm. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện xác định vị trí việc làm, làm cơ sở xác định biên chế công chức trong các cơ quan nhà nước và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập để quản lý chặt chẽ về biên chế. Làm được điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc cải cách tiền lương. Tính phương án bền vững Theo ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ): "Đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013-2020 rất quan tâm đến vấn đề tạo nguồn để trả các khoản tăng thêm từ lương. Tiền lương trả cho cán bộ sẽ không phụ thuộc vào ngân sách mà sẽ phải được lấy từ các nguồn khác". Phương án để có thêm nguồn trả lương là phải đổi mới cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tạo điều kiện cho các đơn vị này tăng nguồn thu để chi trả cho cán bộ của mình. Như thế, gánh nặng nhà nước cũng bớt đi và sẽ có thêm nguồn để trả lương cho các đối tượng khác. Một phương án nữa để tạo nguồn cải cách tiền lương mà Bộ Nội vụ đang tính toán đến là sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả công tác bố trí, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước; sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí, sử dụng biên chế, ngân sách. Đối với địa phương có số thu cao, tự bảo đảm và còn dư nguồn cải cách tiền lương thì được sử dụng nguồn dư đó để chi trả tiền lương tăng thêm không quá 50% so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết khác. Sau khi thực hiện các nguồn nói trên mà vẫn còn thiếu thì ngân sách TƯ sẽ bổ sung. Cùng với đề án cải cách tiền lương, các đề án, quy định liên quan đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CBCC cũng đang được triển khai theo hướng thống nhất. Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã xác định một trong các nhiệm vụ để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC là thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng và tương đương, giám đốc sở và tương đương; tương tự, trong đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng", các ứng viên cũng phải trải qua hình thức thi cạnh tranh theo hướng kiểm tra về kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quy tụ mọi người, khả năng triển khai thực hiện công việc để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ... Mới đây, Nghị định số 36/2012/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ vừa được ban hành nêu rõ, số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người cũng để thực hiện mục tiêu xây dựng bộ máy, đội ngũ lãnh đạo quản lý tinh gọn. Điều này thể hiện tư tưởng cải cách của Chính phủ trong tổ chức bộ máy. Các phương án này cùng được triển khai thực hiện sẽ tạo ra sự đồng bộ về cơ chế chính sách. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thì các ban chỉ đạo cần sớm xây dựng đề án chi tiết, cụ thể với từng đối tượng, từng vùng, cơ chế đối với khu vực DN; đồng thời, cần có sự trao đổi, tham khảo lẫn nhau trong quá trình soạn thảo để các chính sách khi ban hành được nhất quán, có thể áp dụng lâu dài. Hải Anh (TH)