Tạo cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc giám sát, phản biện xã hội

Tờ trình của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Luật ra đời có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả trách nhiệm, quyền của mình, trong đó có nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.

Thời gian vừa qua, thực hiện Hiến pháp năm 2013 và đặc biệt là thực hiện quy định của Đảng theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (kèm theo các quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng bên cạnh đó, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Dự thảo Nghị quyết liên tịch gồm 5 chương, 24 điều.

Làm rõ thêm mục đích của việc ban hành Nghị quyết liên tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Điều 27 và 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, trong đó, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò giám sát, Chính phủ kiểm tra. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 tổ chức thành viên với hàng triệu hội viên tham gia. Có thể gọi đó là giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận và 5 tổ chức thành viên, có tính chất đa dạng, kịp thời, phủ rộng.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, giám sát của Mặt trận không có chế tài xử lý, vì vậy việc ban hành Nghị quyết sẽ kết nối giám sát của Mặt trận với quyền lực của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc xử lý sau giám sát cần được làm rõ hơn trong nội dung Nghị quyết. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện công tác giám sát.

Tháng 12/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sau khi Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ họp, hoàn thiện Tờ trình để gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết liên tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng Tờ trình. Thời gian tới, Chính phủ sẽ họp để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, sau đó tập hợp thành văn bản chính thức để sớm gửi tới Thường vụ Quốc hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan thẩm định sớm thực hiện việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Tờ trình; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sớm hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra chính thức để Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa xem xét, thông qua Nghị quyết tại Phiên họp thứ 9.
Theo TTXVN