Tăng viện phí - Tăng chất lượng khám chữa bệnh (02/08/2012)
Thời gian qua, chủ trương tăng viện phí, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân đã được các cơ quan có thẩm quyền quyết định và dư luận nhân dân đồng tình. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế mới ký duyệt khung viện phí mới đối với 5 bệnh viện trực thuộc T.Ư gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Uông Bí, Viện huyết học truyền máu T.Ư và dự kiến trong tháng 8 sẽ có 10 bệnh viện địa phương quản lý gồm Kon Tum, Kiên Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Nghệ An sẽ áp dụng giá mới do đã được Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận.
Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố chủ quan là do tính toán thu lợi cho mình nên nhiều bệnh viện xây dựng các mức giá ảo, như bệnh viện địa phương áp mức bệnh viện hạng nhất và đặc biệt của tuyến T.Ư, các địa phương miền núi điều kiện kinh tế khó khăn, cuối năm vẫn còn dư tiền quỹ BHYT nên muốn xây dựng viện phí cao nhằm tăng nguồn thu cho cơ sở khám chữa bệnh… Điều đáng nói là, nhiều bệnh viện ở địa phương đề xuất mức viện phí cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Trong khi Hà Nội chỉ định áp dụng 73-86% mức giá do liên bộ Tài chính - Y tế ban hành tại Thông tư 04 thì có tới 10 tỉnh đề xuất từ 90-100% mức giá tối đa mà dự kiến chỉ được áp dụng cho các bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy, BV T.Ư Huế…; 15 tỉnh, thành phố khác đề xuất áp dụng mức giá tương đương 85-90% mức giá tối đa. Những địa phương như Cao Bằng, Lào Cai, Đắc Lắc, Sơn La, Vĩnh Long… điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng lại dẫn đầu về mức đề xuất giá viện phí cao nhất nhì cả nước. Ngay cả các tỉnh, thành phố sẽ áp dụng giá viện phí mới từ ngày 1-8 tới, có hai tỉnh dù ở mức thu nhập trung bình nhưng cũng sẽ áp dụng mức viện phí cao ngất ngưởng gồm Đồng Tháp với mức 93% và Khánh Hòa với mức 95% mức giá tối đa. Thực hiện mức viện phí mới thế này, tất yếu dẫn đến việc gia tăng số người bệnh ở các địa phương “vượt tuyến”, đổ dồn lên tuyến trên khám, chữa bệnh, gây quá tải cho các bệnh viện trung ương vì chất lượng khám chữa bệnh cao hơn, lại có mức viện phí tăng thấp hơn, tạo thành vòng luẩn quẩn, tăng thêm gánh nặng cho chính ngành y tế.
Một thủ thuật mới của các địa phương trong việc đề xuất tăng giá viện phí lần này là chiến thuật tăng viện phí tối đa cho những dịch vụ có tần suất sử dụng dịch vụ cao như tiền khám bệnh, ngày giường điều trị, các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng thông thường…; còn những dịch vụ y tế mà người bệnh ít sử dụng lại áp mức tăng rất thấp để giảm mặt bằng tổng thể của tăng viện phí lần này như ở tỉnh Hải Dương có mức tăng chung là 77% so với mức giá tối đa nhưng giá khám bệnh lại tương đương 100% khung giá, giá dịch vụ trả tiền giường bằng 99% mức tối đa. Tại tỉnh Nghệ An, dù bình quân áp dụng 73% mức khung viện phí nhưng giá dịch vụ xét nghiệm phổ biến như chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, tiền giường/ngày đều áp dụng 89% mức tối đa; còn các dịch vụ ít người sử dụng như điều trị võng mạc thì áp dụng mức 46%, hay khâu lại da, vết phẫu thuật sau nhiễm khuẩn chỉ bằng 27% giá khung.
Nỗi lo khác của các bệnh nhân là mức giá dịch vụ tăng đáng kể tại các bệnh viện nhưng chất lượng khám, chữa bệnh lại không tương xứng vì chưa có sự thay đổi tương xứng về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các bệnh viện phục vụ cho công việc. Một điều dễ thấy là với mức giá khám bệnh 15.000 đồng/lượt ở bệnh viện hạng nhất thì mỗi bàn khám chỉ được khám tối đa 35 bệnh nhân/ngày nhưng mức bình quân chung ở nước ta hiện nay là 50 bệnh nhân/bàn khám/ngày, thậm chí có bệnh viện lên đến 70-100 bệnh nhân/bàn khám/ngày. Các yêu cầu về tiêu chuẩn giường bệnh, diện tích buồng bệnh, số nhân viên y tế chăm sóc cũng đều chưa đạt yêu cầu; tại hầu hết các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên vẫn thường xuyên trong tình trạng 2-3 bệnh nhân/một giường, thậm chí tại không ít bệnh viện, bệnh nhân còn phải nằm xuống cả gầm giường, ngoài hành lang… Tại các khu vực chờ khám, người bệnh vẫn chưa được hưởng các điều kiện được quy định như có điều hòa không khí, chỗ ngồi, mái che nắng, che mưa… Các bệnh viện đòi tăng viện phí vì họ cho rằng mức viện phí mới không đảm bảo tổng chi phí khám chữa bệnh nhưng theo tính toán, viện phí hiện nay mới tính 3/7 yếu tố cấu thành giá, còn lại lương cán bộ nhân viên, nhà cửa, trang thiết bị máy móc vẫn do Nhà nước chi trả. Việc các bệnh viện trong cả nước đồng loạt tăng viện phí chắc chắn sẽ tạo gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo không có thẻ BHYT, bệnh nhân ở những địa phương còn khó khăn về kinh tế. Theo tính toán của cơ quan BHXH, hiện nay chỉ có khoảng 65% số người dân tham gia BHYT, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ này chỉ đạt 55% thì khi áp dụng mức viện phí mới theo đề xuất của các địa phương, dự kiến nhóm chưa có BHYT sẽ phải chi thêm 5.000 tỷ đồng cho việc khám, chữa bệnh, một số tiền không nhỏ trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Mặt khác, nếu các địa phương đều tăng viện phí mức tối đa thì sẽ dẫn đến chuyện BHYT không đủ khả năng chi trả vì phải chi thêm 26% cho mức tăng này, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng/năm, dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ ngay trong năm 2013 và việc phải đến là lại tăng tiền nộp BHYT của mỗi người tham gia BHYT.
Chủ trương tăng viện phí là việc cần thiết đã được quyết định và dư luận nhân dân đồng tình, nhưng vấn đề tăng như thế nào, tăng bao nhiêu lại là vấn đề cần được các địa phương quan tâm cho phù hợp với mức thu nhập của người dân, cần có một lộ trình phù hợp và tăng viện phí phải kèm tăng chất lượng khám chữa bệnh. Người dân đồng tình việc tăng viện phí, nhưng cũng rất mong chất lượng phục vụ sao cho xứng với mức tăng đề ra.
Thanh Bình