Hiện Bộ Y tế đang đề xuất điều chỉnh viện phí mới thành nhiều đợt, mỗi đợt thực hiện từ 8-12 tỉnh, thành phố và trước mắt chỉ áp dụng đối với người có BHYT.
Theo đó, đợt điều chỉnh đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 8-2016 với các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT từ 95% trở lên; từ tháng 10 tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 90%; tháng 11 tại các địa phương có tỷ lệ trên 85% và tháng 12 tại nơi có tỷ lệ trên 80%. Các tỉnh, thành phố còn lại sẽ áp dụng viện phí mới vào tháng 1-2017. Các bệnh viện tuyến TƯ đóng tại địa bàn nào thì sẽ điều chỉnh cùng thời điểm điều chỉnh viện phí tại địa phương đó. Việc tăng giá viện phí, ngoài gần 1.900 dịch vụ được điều chỉnh, BHXH Việt Nam còn phối hợp với Bộ Y tế ban hành giá của hơn 17.000 dịch vụ kỹ thuật khác và “phiên tương đương” cho hơn 6.000 dịch vụ của 26 chuyên khoa khác nhau. Danh mục kỹ thuật BHYT chi trả hiện có gần 25.000 dịch vụ, đầy đủ các danh mục kỹ thuật. Các bệnh viện sẽ không phải lúng túng, khó khăn trong việc thanh toán BHYT vì không tìm được kỹ thuật đã điều trị cho bệnh nhân trong danh mục quy định.
Với mức tăng trung bình khoảng 50% các dịch vụ y tế có thể coi là “sốc” với người bệnh; tuy nhiên, người bệnh có BHYT không phải lo ngại vì những khoản chi viện phí tăng thêm đều được BHYT chi trả. Như vậy, đợt tăng viện phí này cơ bản áp dụng với đối tượng có BHYT, Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất tăng viện phí với đối tượng chưa có BHYT trong thời gian tới. Với mức tăng viện phí như vậy, nếu người dân không có BHYT sẽ gặp khó khăn rất lớn khi ốm đau. Hiện nay, vẫn còn hơn 23% dân số chưa tham gia BHYT. Do đó, thời gian tới, ngành BHXH cũng như các bộ, ngành khác cần có các biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của BHYT.
Mai Anh