Tăng trưởng trên 6%: Lại đến thời lạc quan?

Những dự báo

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 13/4 bất ngờ nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6%, tăng 0,5% so với dự báo trước đó.

Đây là nước duy nhất trong số 9 nước Đông Á có GDP được điều chỉnh theo xu hướng tăng. Theo đánh giá của tổ chức này, sau một vài khó khăn hồi giữa năm 2014, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm đã vượt mức kỳ vọng nhờ xuất khẩu tăng bền vững, FDI, kiều hối được duy trì, dự trữ ngoại hối tăng và môi trường kinh doanh có nhiều cải cách quan trọng.

Bên cạnh đó, WB cho rằng, Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt là các hiệp định thương mại đàm phán thành công có thể đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng theo WB, trong 2016 và 2017, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2% và 6,5%, theo chiều hướng tích cực lên.
Trước đó, HSBC có cái nhìn khá tươi sáng về những chuyển động của kinh tế Việt Nam đầu năm mới. HSBC cho rằng, nền kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ. Chỉ số GDP quý I/2015 tăng 6,0% so với năm trước phản ánh chỉ số quản lý mua hàng PMI có mức ổn định tương đối trong ba tháng đầu năm. Nhu cầu trong nước đang hồi phục. Trong quý I, tín dụng tăng mạnh đẩy thặng dư thương mại đạt mức 1,8 tỷ USD.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) thậm chí dự báo GDP 2015 có khả năng đạt mức tăng trưởng 6,5%, cao hơn mục tiêu 6,2% Chính phủ đặt ra nhờ vào sự cải thiện về cả tổng cầu lẫn tổng cung.

Theo báo cáo của NFSC, GDP quý I/2015 tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong 5 năm qua.

Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ANZ cho rằng, 2015 có thể là một năm triển vọng cho chi tiêu hộ gia đình ở Việt Nam sau khi ghi nhận sự bứt phá kỷ lục về chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 2 đầu năm.

Theo khảo sát của ANZ, 58% người tiêu dùng cho rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới và chỉ có 13% (giảm 1%) người tiêu dùng dự đoán tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu”. 66% người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới so với 8% dự đoán ở “trạng thái xấu”.

Những thách thức

Trước đó, nhiều tờ báo và tổ chức quốc tế cũng đưa ra những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Wall Street Journal đánh giá cao về chính sách cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS (có hiệu lực từ 1/7/2015). Theo đó, đây là một tín hiệu mà theo WSJ sẽ giúp nhu cầu đối với BĐS tăng lên, các chủ đầu tư BĐS sẽ giảm được hàng tồn kho và giúp hệ thống ngân hàng giảm nợ xấu. WSJ cũng nhìn nhận, trong năm 2014, lạm phát của Việt Nam giảm trong khi tăng trưởng tăng cao.

Hãng tin Reuters cho rằng, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể giảm mạnh vào cuối năm 2015 xuống dưới 3% so với tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng cũng sẽ mạnh hơn sau nhiều tháng ì ạch.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng kinh tế vĩ mô hiện khả quan. Bên cạnh đó, ông khẳng định, các doanh nghiệp đang hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Năm 2014, các doanh nghiệp trên sàn HNX báo tổng lợi nhuận tăng 18,4% so với năm 2013, trong khi đó lỗ giảm 81,4%.

Nhiều chuyên gia tin tưởng sự ổn định và vĩ mô trong thời gian gần đây như lạm phát thấp, tỷ giá được giữ vững, tín dụng tăng, sản xuất hồi phục. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước vẫn còn nhiều lo ngại và bày tỏ sự thận trọng trước những tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi những trầm kha trong vài năm gần đây. Thị trường nội địa còn rất mệnh mông, trên 90 triệu dân nhưng DN chưa tận dụng được nhiều. Sức cạnh tranh của DN trong nước còn rất thấp và do vậy, ở nhiều nơi, hàng lậu vẫn đang tràn ngập, thống trị thị trường. Hàng xuất khẩu, trong khi đó, còn nhiều bất cập như sự bế tắc của bài toán xuất khẩu dưa hấu trong 13 năm qua.

Theo HSBC, mặc dù nền kinh tế có khởi đầu năm mới 2015 khá tốt như vậy nhưng nhiều người vẫn đang trong tâm thế cẩn thận. Một lý do được dẫn ra là: mặc dù nhu cầu trong nước được cải thiện nhưng các điều kiện bên ngoài lại xấu đi, tạo sức ép lên hai nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam.

Tăng trưởng xuất khẩu mặc dù vẫn cao so với khu vực trong quý I/2015 nhưng cũng đã giảm xuống mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2014 tăng 12,7%). Năng lực xuất khẩu doanh nghiệp trong nước bị lép vế so với khu vực FDI.

WB trong khi đó lo ngại về vấn đề nợ công của Việt Nam. Tới cuối 2014, tổng dư nợ công và nợ được bảo lãnh công là 61% GDP. Trong đó, nợ nước ngoài đã tăng từ 23% GDP năm 2010 lên mức 32% năm 2014. WB cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng do những cải cách cơ cấu diễn ra ì ạch, đặc biệt trong khối doanh nghiệp nhà nước.
Theo Vietnamnet