Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ đạt mục tiêu 6,7%
Góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn nền kinh tế trong những tháng qua là do đà phục hồi của khu vực nông, lâm thủy sản và đặc biệt là sự tăng trưởng bứt phá của khu vực dịch vụ. Theo đó, khu vực nông, lâm, thủy sản hồi phục so với cùng kỳ năm trước khi những tác động tiêu cực của tình hình thời tiết khắc nghiệt và hệ lụy trực tiếp do ô nhiễm môi trường biển, theo các cơ quan chức năng, đã giảm bớt. Những tháng qua, khu vực này tăng trưởng 2,65%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng âm 0,18% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,43% vào mức tăng trưởng chung. Với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,3%, quý II tăng 7,8%), tuy thấp hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2016 nhưng cao hơn mức tăng 6,2% của năm tháng đầu năm. Đánh giá khu vực dịch vụ trong bảy tháng đầu năm khá sôi động, tăng trưởng trong hai quý đầu năm của khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn hai năm trước (6,9% so với 6,5% của năm 2016 và 5,9% của năm 2015).
NCIF cho biết, trong thời gian còn lại của năm 2017, nền tảng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được hỗ trợ bởi các yếu tố: Triển vọng khả quan của kinh tế thế giới cũng như tín hiệu tích cực từ các nền kinh tế chủ chốt sẽ tác động tích cực tới triển vọng kinh tế. Sự tăng giá của một số đồng tiền và triển vọng phục hồi kinh tế có thể giúp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, qua đó có thể phục hồi được tốc độ tăng trưởng thương mại; những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải trên website của Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tự tin khẳng định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ đạt được mục tiêu 6,7% chính phủ đề ra mà không gia tăng lạm phát. Những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế, chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong những tháng cuối năm; hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, qua đó thúc đẩy vốn đầu tư cho nền kinh tế cao hơn so với năm 2016…
Một điểm đáng chú ý, trong thời gian cuối năm 2017, vốn FDI được dự báo sẽ đạt nhiều kết quả khả quan nhờ hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực của nền kinh tế như: môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Việt Nam đang tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút FDI và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. Con số dự báo được đưa ra là vốn FDI thực hiện năm 2017 sẽ duy trì mức tăng trưởng khá và đạt khoảng 15,3 tỷ USD. Dòng vốn FDI tăng được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2017.
Việt Nam cũng nhận được sự đánh giá tích cực của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu. Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự đoán Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng dự kiến là 6,3% trong năm 2017.
Dương Sơn