Tăng trưởng GDPcao kỷ lục từ đầu năm (28/09/2010)
Trong chín tháng, khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng 2,89%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,29%, khu vực dịch vụ tăng 7,24%. Với đà này, tăng trưởng GDP năm nay hoàn toàn có khả năng đạt 6,7% - cao hơn mức 6,5% mà Quốc hội đề ra.
Xét về tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng qua, đây là lần đầu tiên trong năm nay, mức tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%. Trước đó, so với cùng kỳ năm 2009, GDP trong quý I/2010 tăng 5,83%, quý II/2010 tăng 6,4% và tính chung 6 tháng đầu năm tăng 6,16%.
Tại hội nghị, các chuyên gia đánh giá, mặc dù nền kinh tế vẫn gặp một số vấn đề tồn tại cần được quan tâm giải quyết như giá cả có xu hướng tăng; lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao; nhập siêu vẫn cao... nhưng nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước 9 tháng đầu năm đạt 574 500 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu chín tháng đạt 51,5 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt, mức tăng trưởng xuất khẩu của cả nước phần lớn là do tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI.
Giá nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu như giá cao su, hạt tiêu, sắn, hạt điều, chè, gạo, thủy sản…Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1 146 000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2009 và tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 360.000 tỷ đồng, bằng 78,2% dự toán năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế còn một số vấn đề tồn tại như nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá cao. Trong chín tháng, kim ngạch nhập khẩu đã đạt 60,08 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá cả trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước. Cụ thể, việc kiềm chế giá hàng hóa tiêu dùng trong ba tháng cuối năm rất khó thực hiện. Do vậy, các bộ, ngành cần đưa ra phương án cụ thể để kiềm chế giá.
Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan... ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình trạng thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho đầu tư phát triển, nhất là sản xuất công nghiệp.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nét nổi bật của ngành Công Thương hiện nay là hạn hán kéo dài nên mức nước của các hồ thủy điện đạt thấp, dẫn đến việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do một số nhà máy nhiệt điện chậm đưa vào hoạt động nên chưa đáp ứng được nhu cầu cho các hộ tiêu dùng và doanh nghiệp. Bộ Công Thương đánh giá, việc khó khăn về cung ứng điện có thể còn tồn tại trong quý IV và sang năm 2011.
Một trong các vấn đề được hội nghị giao ban tập trung bàn thảo là công tác đấu thầu. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông yêu cầu Cục quản lý đấu thầu nên điều tra về tình hình phân cấp chỉ định thầu ở mức 5 tỷ USD và cần đánh giá tác động đó.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tứ cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, mâu thuẫn chồng chéo giữa các nghị định liên quan đến Luật Đầu tư.
Ông Tứ cho rằng, Hà Nội là một trong những địa phương có số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất lớn do vậy nếu không kiểm soát vấn đề này được sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tổng Công ty Lương thực miền Nam còn kiến nghị xem xét điều chỉnh về các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cho doanh nghiệp.
Cao Thúy