"Tăng quản lý nhà nước, phát triển sản xuất kinh doanh"

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2013 vừa qua, góp phần thiết thực, quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ngành đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và những kết quả đạt được là khá toàn diện trên các mặt công tác, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được đẩy mạnh.

Toàn ngành đã nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp quý sau tăng cao hơn quý trước, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch khá tích cực; chỉ số hàng tồn kho giảm mạnh, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Thị trường trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, cung cầu các hàng hoá thiết yếu được đảm bảo; nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được đẩy mạnh.

Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt kế hoạch đề ra, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu. Công tác sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá doanh nghiệp của ngành thực hiện theo kế hoạch được duyệt, đạt chuyển biến rõ rệt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoạt động hội nhập quốc tế được triển khai tích cực theo đúng chỉ đạo.

Chỉ đạo nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành tập trung xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển thương hiệu, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ.

Bộ Công thương cần tăng cường vai trò các Hiệp hội ngành hàng trong giải quyết khó khăn của doanh nghiệp; chú trọng tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong từng sản phẩm; từng bước giảm gia công, lắp ráp chuyển sang thiết kế, chế tạo và chế tác gắn với ứng dụng các công nghệ cao .

Cùng với đó ngành cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế, trong đó lưu ý các giải pháp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, các chính sách ưu đãi tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu; thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng lậu; tăng cường quản lý, bảo vệ thị trường trong nước trước các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.” Đi liền với đó là mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao . Đồng thời thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu; công khai minh bạch kết quả hoạt động doanh nghiệp...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Bộ Công thương cần tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng điện, than, xăng dầu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch về giá cũng như yêu cầu kiểm soát lạm phát; đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ngành Công Thương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU…

Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập hoặc đang trong quá trình đàm phán cần được dẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, người dân chủ động khai thác có hiệu quả.

Năm 2013, ngành Công Thương đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác. Nổi bật là sản xuất công nghiệp được thúc đẩy triển khai, qua đó sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chiến tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012 (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011).

Tình hình hàng tồn kho, hàng ứ động trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực; chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng. Nếu tính từ thời điểm 1/1/2013 chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ thì đến 1/12/2013 chỉ số hàng tồn kho chỉ còn tăng 10,2%, là mức tồn kho bình thường.

Thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước tăng 12,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó đã tập trung thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra...

Để thực hiện kế hoạch năm 2014-2015, ngành công thương đã đề ra một số giải pháp chủ yếu là, tiếp tục đảm bảo giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống; thực hiện hiệu quả kế hoạch và chương trình bình ổn thị trường ở các địa phương, đặc biệt vào các dịp lễ, tết; tiếp tục thực hiện chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công.

Ngành phát triển xuất khẩu một cách bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục nâng cao tỷ trọng hàng chế biến và có hàm lượng công nghệ cao trong cơ cấu xuất khẩu; kiểm soát nhập siêu có hiệu quả, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu. Thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Công tác cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngành công thương cũng sẽ được đẩy mạnh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại phù hợp với thể chế kinh tế-thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế./.

Theo TTXVN