Huyết áp là áp suất của máu trong lòng động mạch. Huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu) là láp lực của tim đo được khi tim bóp. Huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương) là sức cản của máu trong lòng động mạch, đo được khi tim giãn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), huyết áp ở người trưởng thành được coi là bình thường khi huyết áp tối đa bằng hoặc thấp hơn 140 mmHg, huyết áp tối thiểu thấp hơn hoặc bằng 90 mmHg (140/90 mmHg). Chỉ số huyết áp từ 100/60 mmHg trở xuống được xem là huyết áp thấp. Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, nếu huyết áp tối đa của bệnh nhân tụt xuống dưới mức bình thường hơn 40 mmHg thì được coi là tụt huyết áp.
90-95% số người tăng huyết áp không xác định rõ nguyên nhân, được gọi là tăng huyết áp nguyên phát, hay còn gọi là bệnh tăng huyết áp. Các nhà khoa học nhận thấy có một số yếu tố tác động, phối hợp gây bệnh và liên quan đến sự hình thành, tiến triển của tăng huyết áp nguyên phát như: những người ăn mặn, béo bệu, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, yếu tố di truyền, rối loạn lipid máu, stress kéo dài, đái tháo đường, ít hoạt động thể lực, tuổi tác…
Tăng huyết áp có thể là triệu chứng của các bệnh khác như một số bệnh về thận, nội tiết, tim mạch…, gọi là tăng huyết áp thứ phát hay tăng huyết áp triệu chứng.
Người bị bệnh tăng huyết áp thường gặp các triệu chứng như: đau đầu, đau tăng khi bị kích thích mạnh; ù tai, hoa mắt, chóng mặt; đi loạng choạng, không vững; trí nhớ giảm, khả năng tập trung chú ý giảm; rối loạn vận mạch gây tê chân tay, mất cảm giác, run đầu chân tay; chảy máu cam; rối loạn thần kinh thực vật…
Bệnh tăng huyết áp có liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống, do đó, đề phòng và điều trị bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp: Ăn thức ăn ít natri, giàu kali, calci, magnesi, vitamin, các chất vi lượng, các chất chống ô-xy hóa; hạn chế các thức ăn kích thích thần kinh và tâm thần; phân bổ thành phần thức ăn, thức uống hợp lý.
T.H
(Theo tạp chí “Người đọc sách”)