Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (13/04/2012)
Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh, thành ủy trong cả nước…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định: Chỉ thị của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới" là tiếp nối những tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng qua các thời kỳ; đề cập nhiều vấn đề quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả; tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân tích cực, tự giác tham gia phong trào.
Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu các đại biểu quán triệt và nắm vững nội dung tinh thần của Chỉ thị, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó, tổ chức thực hiện thắng lợi Chỉ thị của Ban Bí thư; tập trung thảo luận về phương hướng, kế hoạch, biện pháp triển khai Chỉ thị đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, để đạt mục tiêu, yêu cầu trong Chỉ thị đã đề ra.
Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời gian qua, Trung tướng Lê Quý Vương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, cảnh giác và đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, hoạt động kích động, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Phong trào đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn ma túy; phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý giáo dục, cảm hóa người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Phong trào đã gắn kết với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và các phong trào hành động cách mạng; nhiều mô hình điển hình trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng và phát huy hiệu quả; qua đó, đã góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, trong sạch, vững mạnh, xây dựng MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng vững mạnh, thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong những năm qua, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã bộc lộ một số tồn tại, thiếu sót: Nhận thức về công tác xây dựng phong trào ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao; chưa quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp, tổ chức các lực lượng vận động quần chúng. Việc lồng ghép thực hiện nội dung Nghị quyết liên tịch với các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước ở một số địa phương chưa gắn kết tốt với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Một số mô hình chất lượng, hiệu quả hoạt động thấp. Việc nhân rộng các mô hình điểm, sơ kết rút kinh nghiệm hoạt động chưa kịp thời. Phong trào chưa đồng đều, nhiều nơi chưa thực sự trở thành phong trào tự giác của nhân dân hoặc người dân còn không dám tố giác, đấu tranh với tội phạm; chưa kết hợp chặt chẽ phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng Công an để đẩy lùi hoạt động phức tạp của tội phạm hoặc đảm bảo trật tự xã hội, an toàn giao thông và phòng chống tệ nạn…
Tại Hội nghị, Thượng tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới". Chỉ thị đặt ra mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, nhằm giữ vững ổn định chính trị, đảm đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu đến năm 2020 không còn xã, phường, thị trấn, đơn vị có phong trào yếu.
Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý và tổ chức thực hiện của chính quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các ban, ngành đoàn thể các cấp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy dân chủ, nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; đồng thời, phải chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên từ Trung ương đến cơ sở, cả ở thành thị, nông thôn, trong cơ quan, doanh nghiệp…; gắn kết chặt chẽ với các phong trào do Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, MTTQ và đoàn thể tổ chức thực hiện. Chỉ thị cũng nêu rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
8 tham luận của các đại biểu tại Hội nghị đã làm rõ thêm những kết quả đạt được cũng như hạn chế, kinh nghiệm và kiến nghị một số giải pháp cần làm trong thời gian tới. Theo các đại biểu, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên phải xác định công tác xây dựng phong trào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ an ninh, trật tự; quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc….
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, công tác vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là biện pháp cơ bản, quan trọng, có ý nghĩa vừa cấp bách, vừa chiến lược, lâu dài.
Để thực hiện tốt nội dung Chỉ thị 09 của Ban Bí thư, đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở cần nghiêm túc quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là cơ sở để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kết luận số 86-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới" và Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới".
Đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý, tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần tiến hành theo hướng xã hội hoá ngày càng cao; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, lực lượng nòng cốt cho phong trào, phát huy vai trò bí thư chi bộ đảng, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, bản cơ sở; bồi dưỡng, khơi dậy lòng nhiệt tình, trách nhiệm của những người có uy tín, các vị chức sắc trong các dân tộc, tôn giáo làm hạt nhân, làm chỗ dựa của quần chúng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, đảm bảo thiết thực, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng lĩnh vực; trong đó, cần chú ý, mọi chủ trương, biện pháp, kế hoạch vận động toàn dân tham gia xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng khác trước hết phải hợp lòng dân, vừa sức dân, vì lợi ích và yêu cầu của đời sống nhân dân... Các hoạt động của phong trào phải được lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, gắn với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước và chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng đơn vị, địa phương...; tăng cường công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2012 - 2020"; Nghị định của Chính phủ quy định về biện pháp vận động quần chúng; nghiên cứu bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về thi đua khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, cần tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, MTTQ và các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các cấp theo hướng: Tập trung, thống nhất toàn diện về an ninh, trật tự, khắc phục tình trạng có nhiều ban chỉ đạo cùng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự...Các cấp uỷ đảng, chính quyền cần chăm lo xây dựng, tạo điều kiện để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó quan tâm xây dựng đội ngũ công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp.
Để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị, sau Hội nghị này, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân căn cứ tình hình cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương để xây dựng, bổ sung chương trình hành động tổ chức triển khai thực hiện cho phù hợp; làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiên tiến, khắc phục những yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đồng chí Lê Hồng Anh tin tưởng rằng, trên cơ sở quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị, mỗi địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch và biện pháp chỉ đạo thực hiện phù hợp, nhất định phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời gian tới sẽ đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Theo ĐCSVN online
Cao Thúy