Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Trung tướng Phùng Khắc Đăng
Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam
Một số tội phạm diễn biến theo chiều hướng đáng quan ngại như sử dụng vũ khí tấn công lực lượng chức năng; cướp và cướp dật tài sản của người nước ngoài; mua bán người và bắt cóc trẻ em; tội phạm kinh tế; tội phạm tham nhũng; tội phạm ma túy xuyên quốc gia… đã gây nên căng thẳng, lo lắng, bức xúc trong dư luận, trong quần chúng nhân dân và trong cán bộ, hội viên CCB cả nước. Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Chỉ thị số 48-CT/TƯ ngày 22-10-2010 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và quyết định 282/QĐ-TTg ngày 24-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị là kịp thời, đúng lúc và cần thiết, đã đáp ứng sự trông chờ, mong đợi của cả hệ thống chính trị, của nhân dân cả nước vào sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Qua đó đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) để đảm bảo ổn định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, góp phần đưa đất nước phát triển đi lên về mọi mặt.
Hội CCB Việt Nam coi đây là một trong các nhiệm vụ công tác quan trọng và có trách nhiệm tham gia; các cấp Hội và hội viên của Hội đều ý thức được rằng một đất nước hòa bình là một đất nước không thể chấp nhận và không thể có đất cho bọn tội phạm lộng hành. CCB là những người đã chiến đấu hi sinh góp phần xây dựng nền độc lập, hòa bình của đất nước. Vì thế không thể làm ngơ trước tình hình mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội do bọn tội phạm gây ra. Sau khi có Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị và quyết định 282 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng đoàn và Thường trực T.Ư Hội đã quán triệt, chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay tới các cấp Hội. Thường trực T.Ư Hội xây dựng chương trình hành động số 84/CTHĐ-CCB ngày 17-3-2011 về thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ngày 26-9-2011 Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm đã biên soạn tài liệu về “Vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của các cấp Hội, của hội viên CCB trong thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị” và hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức học tập quán triệt, thực hiện trong các tổ chức Hội, hội viên CCB và trong quần chúng nhân dân. Quá trình thực hiện Chỉ thị 48 Bộ Chính trị, Hội đã xây dựng kế hoạch hành động phối hợp, lồng ghép với tổng kết 5 năm (2006-2010) về công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTQ; Chỉ thị số 09-CT/TƯ ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 6-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015” và Kế hoạch chuyên đề số 304/KHPCTP-CCB về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2015 của Hội CCB Việt Nam với 4 yêu cầu, 6 mục tiêu và 10 nhiệm vụ, giải pháp, bước đi cụ thể để phát huy hiệu quả tốt hơn trong công tác tuyên truyền, giáo dục và triển khai thực hiện ở các cấp Hội. Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, T.Ư Hội đã quyết định chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ công tác bảo vệ ANTQ; phòng, chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm từ Ban Kiểm tra về Ban Tuyên giáo các cấp Hội theo dõi, quản lý, chỉ đạo; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo lồng ghép chung cả 5 chương trình tới cấp huyện từ cuối năm 2012 tới nay.
Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 48 Bộ Chính trị, T.Ư Hội đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng cho cán bộ, tuyên truyền viên, tình nguyện viên về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ ANTQ ở các tỉnh, TP Huế, Hải Phòng, Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh và cơ quan T.Ư Hội với 1.109 người; các Tỉnh, Thành hội tổ chức 7.661 lớp với 677.450 lượt người tham gia. Hội đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong hội viên CCB và quần chúng nhân dân ở địa bàn dân cư về công tác phòng, chống tội phạm và phong trào bảo vệ ANTQ một cách thiết thực như: T.Ư Hội phối hợp với Đài TNVN tổ chức 3 cuộc hội thảo - giao lưu nhằm đánh giá, khẳng định những mô hình, điển hình tiên tiến, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tội phạm và các chương trình quốc gia khác ở các tỉnh Hội CCB: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (tháng 6-2011 với 190 đại biểu); Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (tháng 7-2012 với 160 đại biểu); Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình (tháng 4-2013 với 170 đại biểu). Các cấp Hội tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông cho hội viên và nhân dân địa phương về Chỉ thị 48 Bộ Chính trị và công tác phòng, chống tội phạm: 110.648 buổi với 3.562.668 lượt người; phối hợp với công an, quân sự và các đoàn thể vận động cai nghiện ma túy 3.903 người; quản lý sau cai nghiện gần 29.750 lượt người; triệt phá 7.315m2 cây thuốc phiện và 4.248m2 cây cần sa; tham gia tuần tra canh gác 185.531 buổi với 740.885 lượt CCB, phát hiện cung cấp cho công an, chính quyền 33.941 tin có giá trị, tham gia bắt 17.324 tội phạm các loại và triệt phá 1.184 tụ điểm ma túy, mại dâm, cờ bạc. Đồng thời thực hiện hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân 64.404 cuộc với 113.241 lượt người; giáo dục cảm hóa 31.036 đối tượng (có 1.889 đối tượng hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng); thường xuyên kiểm tra, giáo dục, quản lý gần 13.150 cơ sở kinh doanh dịch vụ của gia đình CCB để không vi phạm pháp luật và lợi dụng hoạt động tệ nạn xã hội; tình hình phạm tội và vi phạm pháp luật trong hội viên và người thân gia đình CCB hằng năm đều giảm từ 15-20%.
Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, Hội CCB Việt Nam đã tiến hành được nhiều hoạt động trên các mặt về chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tổ chức Hội, xây dựng kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, xây dựng con người, xây dựng địa bàn, xây dựng đơn vị điểm, xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, thực hiện các chương trình kế hoạch hành động phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ hoạt động thực tiễn ở các cấp Hội đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến của các tổ chức Hội và hội viên CCB trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… tiêu biểu như Hội CCB các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau, Thái Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Quảng Bình, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn. Đạt được những kết quả trong công tác phòng, chống tội phạm của Hội CCB trước hết là các cấp Hội đã coi trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quán triệt sâu sắc các văn bản nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tội phạm. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục với thông báo tình hình tội phạm diễn ra trong xã hội để tạo nên ý thức trách nhiệm công dân đối với nhiệm vụ tham gia phòng, chống tội phạm. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các cấp Hội từ T.Ư đến cơ sở đã thường xuyên củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp và lực lượng nòng cốt. Quan tâm, đầu tư bồi dưỡng kiến thức, năng lực, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên làm công tác vận động quần chúng nhân dân, cảm hóa giúp đỡ các đối tượng lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; đẩy mạnh công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào bảo vệ ANTQ một cách thích hợp. Để tiến hành nhiệm vụ phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao, điều có ý nghĩa quyết định là các cấp Hội phải thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương; làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo địa phương đối với các hoạt động của Hội CCB; tích cực, chủ động, gương mẫu tham gia phối hợp với các hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội chung ở địa bàn dân cư.
Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống xã hội, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, tinh thần của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương, nhất là những địa bàn trọng điểm, nơi có điểm nóng, phức tạp, ở biên giới, hải đảo, cửa khẩu và các thành phố lớn… Phòng, chống tội phạm xã hội trong tình hình mới là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, Hội CCB Việt Nam ý thức được điều đó và quyết tâm đóng góp sức mình trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm, cùng với lực lượng công an và hệ thống chính trị xã hội mang lại sự yên bình cho nhân dân, đất nước.
PKĐ