Tăng cường phối hợp công tác giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam
Công tác phối hợp của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2017 tập trung vào đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các chương trình cụ thể với nhiều hình thức phù hợp. Tăng cường công tác thông tin, tổ chức các diễn đàn trao đổi, đối thoại và các hoạt động tiếp xúc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta cả trong nước và ngoài nước góp sức xây dựng quê hương, đất nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần giải quyết những vấn đề lớn của đất nước. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại; có cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.
Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp lấy ý kiến để nâng cao chất lượng xây dựng và phổ biến chính sách, pháp luật. Phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Sớm phối hợp tổ chức Hội nghị giữa Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã; phối hợp tổ chức góp ý Luật về Hội, các chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc và miền núi; các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó phối hợp trong phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tích cực phối hợp trong cải cách hành chính; xử lý tốt các thông tin, phản ánh, kiến nghị của người dân về phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy dân chủ ở cơ sở; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công để tạo sự chuyển biến mạnh từ Trung ương đến địa phương.