Tăng cường pháp chế Xã hội Chủ nghĩa trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (23/02/2013)
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các chủ đề quan trọng như: đánh giá tổng quan Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và việc hoàn thiện thể chế chính trị; chế định quyền con người, quyền công dân; cơ chế bảo vệ Hiến pháp; chế định tư pháp.
Phần lớn ý kiến cho rằng, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra một bản dự thảo có nhiều đổi mới quan trọng, thể chế Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và các Nghị quyết của Ðảng từ sau Ðại hội lần thứ XI. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã phản ánh sự phát triển của tư duy Hiến pháp ở Việt Nam về chủ quyền lập hiến, phân công quyền lực, kiểm soát quyền lực, chế độ bảo hiến, quyền con người, quyền công dân... Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế của Dự thảo cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân và xu thế mang tính thời đại. Cụ thể là: cần hoàn thiện các quy định về Quốc hội theo hướng phân định rõ hơn thẩm quyền giữa Quốc hội với nhân dân, Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương. Các quy định về Chủ tịch nước và chính quyền địa phương cũng được các đại biểu đề nghị chỉnh lý, bổ sung.
Liên quan việc chế định quyền con người, quyền công dân, các đại biểu cho rằng, trong tổng số 124 điều của Dự thảo, có 38 điều quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, chiếm hơn 30%. Ðây là thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan quyền con người, quyền công dân cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Cơ chế bảo vệ Hiến pháp quy định trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Các đại biểu cho rằng, Hội đồng Hiến pháp là một chế định kiểm hiến thích hợp nhất trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Song, cần tạo lập một chương riêng về Hội đồng Hiến pháp để bảo đảm tính độc lập của hoạt động kiểm hiến và bảo đảm hoạt động có hiệu quả, tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
Ðề cập phương diện pháp chế, một số ý kiến đề nghị phục hồi lại Ðiều 12 Hiến pháp 1992 về tăng cường pháp chế XHCN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời cần bổ sung, phát triển, thể hiện được khái quát bản chất dân chủ, thuộc tính và vai trò của XHCN trong tổ chức, hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước, trong bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân cũng như bổ sung nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân về bảo vệ pháp chế XHCN.
Ngày 22-2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khu vực phía bắc. Tại hội thảo, đại diện Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã giới thiệu những điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận, tham gia góp ý, đề xuất với 16 ý kiến cụ thể đối với các điều khoản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, giáo dục văn hóa, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy Nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp... Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý về kỹ thuật trình bày các điều của Hiến pháp làm sao ngắn gọn hơn, tránh trùng lặp, lô-gích...
Ngày 21-2, Thường trực Hội đồng nhân dân (HÐND) tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, đã có 22 ý kiến của các đơn vị, tổ chức và cá nhân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm. Theo đó, các ý kiến đều khẳng định nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo đã giải quyết được nhiều vấn đề bất cập tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Về chế độ kinh tế, các ý kiến cho rằng, Dự thảo thể hiện được quan điểm, đường lối của Ðảng, là thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Ngày 22-2, tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý vào các vấn đề liên quan đến các quy định về chế độ chính trị; kết cấu của dự thảo; các quy định về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường... Ða số đại biểu đồng tình cho rằng, sau 20 năm thực hiện, Hiến pháp năm 1992 đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việc sửa đổi Hiến pháp là phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững nhằm xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chiều 22-2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị ngành tuyên giáo toàn tỉnh nhằm đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Những ý kiến góp ý của những người làm công tác tuyên giáo tập trung những nội dung về chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Chiều cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, chất lượng thể hiện thái độ tích cực và tinh thần xây dựng của đội ngũ cán bộ đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Sáng 22-2, HÐND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp UBND tỉnh, Ðoàn đại biểu QH tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Theo NDĐT
(TH)