Tăng cường nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc

Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách dân tộc được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 nghị định, nghị quyết của Chính phủ và 140 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Ủy ban Dân tộc quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành chính sách riêng phù hợp với địa bàn.
Tuy nhiên, một số chính sách dân tộc thực hiện chưa hiệu quả; nhiều chính sách dân tộc hết hiệu lực nhưng mục tiêu chưa hoàn thành. Thực tế cũng cho thấy, từng chương trình, chính sách đều có cơ chế quản lý, thanh toán, quyết toán riêng nên khó lồng ghép tại địa phương. Hiện có quá nhiều chính sách đang triển khai tại các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số, việc thực hiện các chính sách tản mạn, phân tán, do nhiều đầu mối thực hiện, dễ gây thất thoát trong quản lý, khó đánh giá hiệu quả. Đây cũng là ý kiến của nhiều ĐBQH khi đánh giá về hiệu quả triển khai chính sách dân tộc thời gian vừa qua. Tại sao có rất nhiều chính sách dân tộc nhưng thực hiện lại chưa hiệu quả? Hiện trạng của thực hiện năm 2015 cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới một số chính sách dân tộc hết hiệu lực nhưng mục tiêu lại chưa hoàn thành, đối tượng thụ hưởng còn lớn, đó là vốn cấp năm 2015 chỉ đạt 32% kế hoạch. Việc cân đối, bố trí ngân sách cho các chính sách chưa chủ động, chưa bảo đảm cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chính sách. Cách đây không lâu, khi trả lời chất vấn trước UBTVQH về vấn đề chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng: Chương trình 135 hợp lòng dân, tạo được hiệu quả thiết thực, rõ nét. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên hiện còn nhiều nội dung của chương trình chưa được triển khai. Trước thực tế vốn cấp cho Chương trình 135 không chỉ thấp mà còn rất chậm, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới vấn đề này. Theo Bộ trưởng, giải pháp đột phá chỉ có thể là tiếp tục cấp vốn để thực hiện Chương trình 135...
Phải nói rằng nhiều chính sách mà không thực hiện được thì mất niềm tin với nhân dân. Việc rà soát, lồng ghép thực hiện các chương trình để không bị lãng phí nguồn lực là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận được là, dù chính sách có hay đến mấy, có nhân văn đến mấy nhưng không có nguồn lực để thực hiện thì cũng không thể giải quyết được những yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, dành nguồn vốn hợp lý đủ để bảo đảm thực hiện các chương trình nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số là điều mà chúng ta cần phải hết sức quan tâm.
Bài và ảnh: Dương Sơn