Năm 2014, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Qua giám sát tại các địa phương, người dân cho rằng nguồn vốn được vay là quá thấp, chưa đủ nguồn lực để đầu tư sản xuất, thoát nghèo bền vững. Ví như, Tại tỉnh Đăk Nông, số vốn hộ nghèo được vay thông qua kênh Ngân hàng CSXH bình quân khoảng 20 triệu đồng/hộ. Thực tế số tiền này không đủ điều kiện để duy trì, phát triển sản xuất đối với các cây công nghiệp lâu năm. Từ đó, các hộ nghèo tỉnh Đăk Nông đề nghị tăng vốn vay tín dụng mức tối đa từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất. Hay như ở tỉnh Hậu Giang, mức vay bình quân từ Ngân hàng CSXH còn thấp, chỉ đạt 5,3 triệu đồng/hộ, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho sản xuất của các hộ nghèo... Bên cạnh kết quả bước đầu, Đoàn giám sát nhận thấy, nguồn vốn cho vay còn mang tính bình quân, do đó, một bộ phận hộ nghèo không có nhu cầu vay vốn vẫn được vay, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Đoàn giám sát đề xuất nâng mức vay vốn ưu đãi và giảm lãi suất để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Một trong những địa phương mà các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH đã thu được kết quả cao là TP. Hà Nội. Từ năm 2005-2012, Ngân hàng CSXH Hà Nội đã cho vay được 10.932 tỷ đồng với gần 1,2 triệu lượt khách hàng vay vốn, trong đó có hơn 14 nghìn hộ cận nghèo; mức cho vay bình quân từ 5 triệu đồng/hộ (năm 2005) được nâng lên 18 triệu đồng/hộ (tháng 8-2013). Đặc biệt, đây là một trong những địa phương đã dành ngân sách của mình cho tín dụng ưu đãi, bên cạnh ngân sách T.Ư. Cụ thể, ngoài nguồn kinh phí của trung ương, hàng năm, thành phố trích ngân sách ủy thác Ngân hàng CSXH triển khai cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn. Tổng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác sang Ngân hàng CSXH đến năm 2012 là 188,8 tỷ đồng.
Hiện nay nguồn lực trong thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo đang còn thiếu nên mức độ bao phủ vẫn chưa thật sự toàn diện. Mặt khác, để các hộ thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ các hộ tái nghèo, thì phải nuôi dưỡng và tiếp tục ưu đãi tín dụng cho các hộ cận nghèo, các hộ mới thoát nghèo. Khi các hộ thoát nghèo đã có động lực ban đầu mà chúng ta không tiếp tục duy trì và đẩy mạnh động lực đó thì các hộ dân rất dễ rơi vào tình cảnh tái nghèo.
Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2015 là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 5%, nên chăng cần những giải pháp hữu hiệu như: tập trung nguồn lực giảm nghèo vào các nhiệm vụ trọng tâm, tránh dàn trải, manh mún; điều chỉnh mức vay, lãi suất, thời hạn vay theo hướng giao cho Ngân hàng CSXH chủ động linh hoạt điều chỉnh mức vay, lãi suất và thời hạn vay theo thời điểm, theo ngành nghề, theo vùng miền để giải quyết khó khăn người dân. Đặc biệt cần gắn kết việc cho vay vốn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; coi người nghèo là đối tác của chính sách giảm nghèo, chứ không phải là đối tượng hưởng chính sách một cách thụ động.
Dương Sơn