Tăng cường nguồn lực cho công tác dân tộc
Vùng dân tộc và miền núi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn sinh sống chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái của cả nước... Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng dân tộc và miền núi.
Nghị định số 5/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất, có tính đột phá, tạo khuôn khổ pháp luật để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc. Tuy nhiên qua quá trình triển khai, các quy định trong Nghị định 5/2011/NĐ-CP còn bộc lộ nhiều hạn chế như các quy định còn chung, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách.
Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện ở một số bộ, ngành chưa kịp thời, còn hạn chế, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chính sách tạo việc làm tuy đã được lồng ghép với chính sách giảm nghèo nhưng trong thực hiện còn nhiều bất cập; việc phân cấp đối với các địa phương triển khai chậm, hiệu quả chưa cao...
Công tác dân tộc trong thời gian tới rất nặng nề, có ý nghĩa quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác này; nhận rõ trách nhiệm và đề cao quyết tâm, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; trong đó, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, với tinh thần đổi mới, sáng tạo Nghị định 5/2011/NĐ-CP, Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Cụ thể, về Nghị định 5/2011/NĐ-CP, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho giai đoạn 2016 - 2021; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường nguồn lực nhà nước, đề xuất chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có nguồn lực của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc và miền núi.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm nhằm nâng cao số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Các địa phương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 5/2011/NĐ-CP và các chính sách dân tộc hiện hành; chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Theo CP