Tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai, thảm họa (18/11/2009)
Trước tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai biến động khó lường, nhất là gần đây hiện tượng cơn bão số 9 vừa qua đi, nhưng hậu quả để lại thật nặng nề. Hơn 80 người đã tử vong. Thiệt hại về nhà cửa, hoa màu... lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tiếp theo, miền Trung lại oằn mình trong cơn bão số 11 với những trận lũ khủng khiếp sau bão mà hàng 40-50 năm nay mới có. Theo thống kê, thiệt hai do cơn bão số 11 gây ra còn lớn hơn: trên 100 người chết, tổng thiệt hại khoảng gần 5.000 tỉ đồng. Thực tế đau lòng này đã một lần nữa cho thấy phải tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai, thảm hoạ.
Thiên tai, bão lũ là khôn lường và khó có thể tránh khỏi, song vấn đề là làm sao để chủ động đối phó và giảm thiểu ảnh hưởng. Đây là vấn đề luôn được nhắc tới sau mỗi lần thiên tai đi qua. Và trên thực tế, trước mỗi cơn mưa bão, công tác phòng, chống luôn được quán triệt tới các bộ, ngành, địa phương.
Thực tế cho thấy, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra thì công tác phòng chống bao giờ cũng quan trọng... Để phòng chống tốt phải bắt đầu từ hai vấn đề khá cơ bản là dự báo chính xác và sự chủ động trong phòng, chống thiên tai của người dân.
Về phương diện này, công tác dự báo thời tiết có thể được coi là một trong những mắt xích vô cùng quan trọng. Nhưng trên thực tế, luôn luôn có tình trạng dự báo sai và chậm. Ngay với cơn bão số 9 cũng vậy. Trong khi dự báo của khí tượng là bão sẽ vào Quảng Trị, thì Quảng Ngãi mới là địa phương chịu những hậu quả nặng nề. Rõ ràng, ngoài việc người dân cần chủ động phòng chống bão lũ, nếu những dự báo được đưa ra chuẩn xác hơn và nhanh hơn, việc hạn chế hơn nữa thiệt hại là có thể.
Việc Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong cuộc giao ban nhanh về tình hình bão lũ đã gọi những hậu quả nặng nề mà người dân Quảng Ngãi đang phải gánh chịu sau cơn bão số 9 là "thảm họa từ sự chủ quan và dự báo sai", một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của công tác dự báo, cũng như sự chủ động trong phòng, chống thiên tai của người dân. Từ thực tiễn hiện nay, Chính phủ đã và đang rất quan tâm, chủ trương hiện đại hoá, tăng cường khả năng ứng phó với các loại thiên tai, thảm hoạ, ưu tiên đầu tư xây dựng các trạm quan sát, hệ thống trạm địa chấn trong mạng lưới quan sát động đất cũng như trạm quan trắc các hiện tượng thời tiết, thiên tai. Thời gian tới, cần tiếp tục nâng cấp hoạt động của Trung tâm, từ nhân sự đến đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoàn thiện quy trình, quy phạm hoạt động của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về nguyên tắc để UBND các tỉnh Nghệ An và Nam Định áp dụng chỉ định thầu đối với một số gói thầu xây lắp thuộc các dự án như Tuyến đê cửa sông Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu; Đê ngăn lũ kết hợp giao thông bờ đông sông Hiếu, thị xã Thái Hòa; hay Nâng cấp khẩn cấp một số đoạn đê, kè xung yếu trên tuyến đê biển thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng... Đồng thời, tập trung đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống bão lũ. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan công quyền, cũng như sự chủ động của người dân trong phòng, chống thiên tai. Đó là cách tốt nhất để tăng cường khả năng ứng phó, giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra.
Ý THU