***Vi phạm thương mại diễn biến phức tạp
***Báo cáo từ các ngành Hải quan, Quản lý thị trường, Biên phòng... đều cho thấy tình hình buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
Hàng hoá vi phạm chủ yếu là ma tuý các loại, rượu, băng đĩa lậu, hoá mỹ phẩm, đường, sữa,... Đáng chú ý, năm qua hàng xuất lậu tiếp tục gia tăng là than, quặng các loại và xăng dầu, trong đó riêng số lượng khoáng sản vi phạm bị phát hiện, xử lý khoảng 124.000 tấn, tăng 25%.
Tuyến hàng nhập, xuất lậu trọng điểm diễn ra ở khu vực Móng Cái – Quảng Ninh, Tân Thanh – Lạng Sơn, Lào Cai, Cầu Treo – Hà Tĩnh, Lao Bảo – Quảng Trị, dọc biên giới Tây Nam... các cảng biển, khu vực biển gần cảng, tuyến hàng không – bưu điện.
Lực lượng chức năng cũng cho biết kết quả đấu tranh chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) gia tăng với hơn 12 tỷ đồng, hơn 6.100 vụ. Số vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm tăng hơn 9.000 vụ, tổng cộng phát hiện, xử lý hơn 35.000 vụ. Mặt hàng vi phạm lớn là rượu các loại, máy tính, gas, thực phẩm, thịt các loại...
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 127/TW, trong điều kiện sản xuất khó khăn, hàng trong nước tiếp tục chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập ngoại, kể cả hàng lậu. Trong khi đó, công tác phòng chống dù đã được quan tâm, triển khai mạnh hơn nhưng tiếp tục còn những tồn tại, khó khăn, nhất là khả năng đấu tranh của các lực lượng chức năng với các đường dây tổ chức buôn lậu, gian lận quy mô lớn, xuyên quốc gia. Trước diễn biến phức tạp của thị trường, của tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, các cơ quan tham mưu cũng chưa đề xuất được các giải pháp xử lý một cách bài bản, mang tính chiến lược.
Kết quả kiểm tra thực tế cũng cho thấy một thực trạng, sự phối hợp giữa các ngành chức năng, giữa trung ương với địa phương, giữa các địa phương với nhau theo tuyến, cụm tiếp tục là điểm yếu cố hữu trên mặt trận chống buôn lậu, quản lý thương mại qua biên giới hiện nay, thể hiện ở sự chồng chéo, hạn chế trong công tác nghiệp vụ, thông tin, điều kiện trang thiết bị, biên chế, kinh phí phục vụ công tác...
Một số vấn đề về cơ chế như chính sách tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, biên mậu, các Khu kinh tế, khu cửa khẩu của nước ta đang có sự thông thoáng nhất định, bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu. Hình thức phổ biến là lợi dụng chính sách trao đổi hàng hóa miễn thuế của cư dân biên giới, chính sách ưu đãi đối với khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư. sản xuất xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất để buôn lậu, trốn thuế.

***Khắc phục bất cập về cơ chế
***Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý kinh tế cửa khẩu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, lực lượng chức năng sớm xây dựng, trình Chính phủ một Chương trình tổng thể cấp quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nhằm tạo ra và tực hiện được những giải pháp quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, tránh tình trạng chồng chéo, bỏ trống và nâng cao được hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống của các lực lượng chức năng hiện nay.
Bên cạnh đó, những tồn tại, bất cập về mặt cơ chế, chính sách cần được tập trung khắc phục. Các văn bản pháp quy chậm được ban hành cần được đôn đốc thực hiện. Các cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật được rà soát, chỉnh sửa theo hướng quản lý thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Cụ thể là sửa đổi Quyết định 254, Thông tư liên tịch số 12, xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định số 43/2009/NĐ-CP và các Thông tư của các Bộ đang chuẩn bị ban hành hướng dẫn việc quản lý hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
Các nguồn lực, cơ chế tập trung vào những thị trường, mặt hàng “nóng“, tuyến địa bàn trọng điểm hiện nay như rượu, bia, thuốc lá, chế độ mua bán miễn thuế của cư dân biên giới và khách du lịch sẽ được tách riêng để xem xét, sửa đổi cho nhất quán và phù hợp.
Phó Thủ tướng lưu ý công tác dự báo thị trường và nắm tình hình thị trường cung cầu hàng hoá, giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên từng địa bàn, coi đây là tiền đề quan trọng để ứng phó phù hợp, hiệu quả với các hành vi vi phạm.
Trước diễn biến phức tạp, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi của các đối tượng, Phó Thủ tướng đồng ý xem xét việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, những phương tiện đặc thù cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và xử lý vi phạm.
Theo VGP news Bảo Lâm