TAND huyện Long Thành – Đồng Nai: “Ngâm” vụ án ly hôn hơn một năm không xét xử

.

Ngày 17/2/1982, ông Huỳnh Phú Đông đã đăng ký kết hôn vóí bà Đoàn Thị Thu Thảo. Vợ chồng ông Đông, bà Thảo có 4 người con, nay họ đã trưởng thành. Vào đầu năm 2008, lấy lý do cuộc sống gia đình và bản thân không hạnh phúc, bà Thảo đã chủ động sống ly thân với ông Đông. Đến ngày 4/7/2012, bà Thảo đã có đơn xin ly hôn với ông Đông. Tại Biên bản hòa giải do Hội Đồng hòa giải thị trấn Long Thành đã tổ chức vào ngày 16/8/2012, ông Đông và và Thảo đã đồng ý ly hôn.
Ngày 30/7/2013, Tòa án nhân dân huyện Long Thành đã có Thông báo thụ lý vụ án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 356/2013/TLST-HNGĐ về vụ án “Ly hôn, tranh chấp chia tài sản chung” giữa nguyên đơn là bà Thảo và bị đơn là ông Đông. Người chịu trách nhiệm giải quyết vụ án ly hôn này là Thẩm phán Phạm Thành Dương của TAND huyện Long Thành.
Ông Đông cho biết: “Tôi rất buồn khi gia cảnh phải ly tán chỉ vì ý muốn của vợ tôi. Cô ấy nói không hạnh phúc khi ở bên tôi và yêu cầu tôi phải ký vào đơn ly hôn. Vây mà khi tôi chấp thuận ly hôn thì cố ấy lại đòi chia đôi tài sản là quyến sử dụng đất mà tôi được thừa kế hợp pháp của cha mẹ đẻ từ năm 2002. Trong di chúc cha mẹ tôi đã để lại tài sản cho riêng tôi thừa kế, để tôi có điều kiện nuôi một người chị gái (chị không lấy chồng) và tổ chức cúng giỗ hàng năm cho cha mẹ, ông bà tôi”.
Dù rất đau khổ, nhưng nếu đã không còn hàn gắn hôn nhân được nữa, thì hãy mau chóng giải thoát cho nhau. Nhiều lần tới tòa án gặp Thẩm phán Dương yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét xử, thế nhưng, tôi chỉ nhận được những câu trả lời của ông Dương đại loại như: đang điều tra về các con nợ; đang thẩm tra tài sản; đang chờ ý kiến của nguyên đơn… Và Thẩm phán Dương đã “ngâm” hồ sơ vụ án đến nay mà chưa đưa ra xét xử. Tôi đã khiếu nại nhiều lần đến Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND của huyện Long Thành, nhưng chỉ nhận được trả lời là Thẩm phán Dương làm đúng theo luật định?! Việc chậm đưa vụ án ra xét xử khiến cho tôi càng thêm đau khổ!- ông Đông than thở!

Luật sư Hà Th Đăng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Theo quy định tại điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi năm 2012, thì thời hạn chuẩn bị xét xử của vụ án này là không quá 4 tháng. Nếu TAND huyện Long Thành cho rằng: vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử, nhưng thời gian gia hạn không quá hai tháng. Như vậy, sau sáu tháng kể từ ngày có thông báo thụ lý vụ án, TAND huyện Long Thành phải đưa ra một trong các quyết định như: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ giải quyết vụ án; hoặc Đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng cần gia hạn, thì thời hạn này sẽ là hai tháng. Đối với vụ án ly hôn của ông Đông thì TAND huyện Long Thành phải đưa ra xét xử chậm nhất là trong thời hạn 8 tháng tính từ ngày 30/7/2013 (ngày thông báo thụ lý vụ án)”.
Như vậy, TAND huyện Long Thành đã vi phạm pháp luật về tố tụng dân sự khi “ngâm” vụ án hôn nhân gia đình của ông Đông hơn một năm mà không đưa vụ án ra xét xử. Sự chậm trễ này khiến dư luận cho rằng có sự “không bình thường” của Thẩm phán Dương trong vụ án.
Hà Nam