Tản mạn: Hội họa và tài chính
Bức tranh đắt giá nhất trong lịch sử hội họa của người Việt thì cho đến nay vẫn là điều khó đoán. Một phần là do ở ta chưa có những phiên đấu giá minh bạch các họa phẩm kiệt tác kiểu như Christie hay Sotheby vẫn làm. Phần nữa là do vất vả của một thời chiến tranh, đặc biệt ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm nhiều danh họa quen sinh hoạt trong bần bạch. Vẽ tranh đối với họ là cái nghiệp, là niềm vui, là sự giải thoát. Hơn nữa, bán được tranh tới giá là điều không tưởng bởi cả xã hội đều nghèo. Câu chuyện bảo tàng mỹ thuật mua bức "Bình văn" khét tiếng của họa sĩ Lê Huy Miến là một trường thiên bi hài. Người sở hữu bức tranh liều lĩnh đòi đổi nó lấy một chiếc xe "lơ" (xe đạp Peugeot), một thứ mà hôm nay giá trị chưa bằng cái áo khoác fake hàng hiệu. Sau nhiều lần mặc cả thì bảo tàng cũng mua "Bình văn" với giá khoảng hai chiếc xe đạp “Tầu”. Đại loại, hội họa ở ta đã có một thời lãng mạn bi tráng, hoàn toàn xa lạ với khái niệm đo đếm tài chính. Có lẽ vì thế mà nhiều họa sĩ vẽ tranh xong thì đem cấn nợ cho một ông chủ quán cà phê lương thiện, hoặc đưa tặng cho một vài người bạn tri âm tri kỷ. Xem lại những bức ảnh đen trắng từ hồi bao cấp chụp mấy "đại thụ" cỡ như ông Nguyễn Sáng, ông Bùi Xuân Phái... ngồi uống rượu bỗng ứa nước mắt. Trên mặt bàn gỗ cong vênh là bơ vơ duy nhất chai rượu gạo nấu lậu (vỉa hè kêu là cuốc lủi). Vậy mà mặt mũi người uống luôn hồng hào phảng phất như đang hạnh phúc.
Rồi Việt Nam mở cửa, rồi Việt Nam đổi mới. Nhiều người nước ngoài lần đầu tới thăm mảnh đất hình chữ S quằn quại vết bom, chợt ngỡ ngàng nhận ra rằng ở đây có hẳn hoi một nền mỹ thuật. Không kể các "mét" được đào tạo tử tế từ người Pháp, mà ngay cả các họa sĩ trẻ cũng đẫm đầy tài năng. Những "người nước ngoài" chân thành ngạc nhiên, họ ào ạt mua tranh bằng vàng bằng "đô". Trên một mặt bằng tài chính thăng hoa như vậy, khoảng thập kỷ cuối của thế kỷ trước, hội họa Việt hung hăng có hẳn một thị trường. Nhiều họa sĩ trẻ thời thượng đã có nhà mới và vợ mới. Và cũng giống như các bậc thầy trước đây, bọn họ tiếp tục hạnh phúc uống. Có điều, bây giờ là những chai whisky già tuổi không còn bơ vơ nữa. Vì “đề co” cho nó là cả đĩa tổ bố tôm hùm.
Rồi thị trường của hội họa Việt vài năm gần đây bỗng dưng trầm lắng. Nhiều họa sĩ một thời thành công đã bỏ vợ đẹp, hoặc bất hạnh hơn, bị vợ đẹp bỏ. Cũng có người hiếm hoi lấy thêm được vợ mới, nhưng thường là sau khi đã bán nhà. Đi ngang qua mấy gallery "nhớn", chỉ thấy đôi ba chân dài trông hàng che mồm ngáp. Tại sao phải làm họa sĩ? Vô số diễn đàn có vẻ nghiêm túc đã thảo luận dưới cái khẩu hiệu này. Có phải "vẻ đẹp tiềm ẩn" ở những người vẽ đã hiển lộ hết. Có phải vẫn chủ đề "chim, hoa, cá, gái" đấy thôi, nhưng thủa ban đầu là hồn nhiên không vụ lợi còn hôm nay là xơ xác lặp lại hầm hập mùi tiền. Toàn những câu hỏi lớn chờ mong manh lời đáp. Không phải ngẫu nhiên mà kha khá đông họa sĩ xé giấy, đập bút chuyển sang nghệ thuật sắp đặt. Và những buổi ra mắt tác phẩm của họ luôn hồi hộp nguy hiểm. Bất chấp tuổi tác đã lụ khụ, họ thường trình diễn leo trèo lên những chơi vơi độ cao để nhẩy nhót.
Hôm rồi gặp anh bạn họa sĩ thân chuyên vẽ "mái đình giếng nước, thiếu nữ cầm nón và liễu rủ bờ hồ". Hỏi. "Dạo này bán chác thế nào". Trả lời. "Đã bán hết sạch. Chiều qua vừa bán nốt cái xe máy".
Tạp văn của Nguyễn Việt Hà