Tản mạn Anh hùng tuyệt lộ

Đàn ông được coi là anh hùng, (từ điển Hán Việt Đào Duy Anh chú: Anh là vua loài hoa, Hùng là vua loài thú, chỉ người hào kiệt xuất chúng), khi lâm tuyệt lộ thì tuyệt nhiên khác. Một phần do cái sự họ gặp phải bi thảm đến cực cùng, một phần là do cái cách họ hành xử với những bất thường bi thương ấy. Cố nhiên, vì là đàn ông nên cũng có lúc họ bị tán gia bại sản, cũng có lúc họ gặp ác phụ phản thùng. Có điều, với tất thẩy bọn họ, tiền bạc hay hôn nhân chưa hẳn quá trọng, nó nhỏ như bò ăn cỏ. Chuyện làm họ lao đao day dứt hơn cả lẽ sinh tử chính là chữ Hiếu, chữ Nghĩa, chữ Tín. Cứ đọc "Thủy Hử" thì biết.
Kiệt tác tiểu thuyết về 108 anh hùng Lương Sơn Bạc này được cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, một nhà Nho nguời Việt ban sơ dịch nghĩa đen là "Rìa nước". Nội dung chủ yếu kể đi kể lại về những chuyện anh hùng mạt lộ. Và hầu hết những vị anh hùng đó trước khi thành trùm cướp đều là đám đàn ông tử tế theo tiêu chí đánh giá của xã hội mọi thời. Có người là thầy giáo như Trí Đa Tinh Ngô Dụng. Có người là ngư dân như anh em Nguyễn Thị Tam Hùng. Có người là thư ký ủy ban huyện như Cập Thời Vũ Tống Công Minh. Lại có người là sĩ quan cao cấp công tác tại ban chỉ huy quân sự tỉnh như Hoa Vinh, Tần Minh, Hô Duyên Chước. Rồi tất thẩy trớ trêu bị xã hội nhiễu loạn quan tham, vua hèn, thầy lừa, bạn phản, đạp bắn ra rìa. Lý do bọn họ lâm tuyệt lộ thì nhiều nhưng sâu xa hao hao giống nhau. Đơn giản vì bọn họ là "Vua của hoa và thú", không chịu được bất cứ cái gì dung tục đểu giả. Đương nhiên, bọn họ khác tầm thường. Vì trọng nghĩa liên tài, họ sẵn sàng tặng trăm lượng SJC như không mà Tiểu Toàn Phong Sài Tiến là ví dụ. Vậy lý gì khi chứng khoán tụt xuống hay bất động sản động đậy lại làm cho họ xao lòng. Nếu đứa vợ dâm loạn ngoại tình, khỏi thanh minh thanh nga, họ đưa một dao chết tốt kiểu như Bệnh Quan Sách Dương Hùng. Bởi cái con vợ ấy không những lăng loàn mà còn điêu toa xuyên tạc làm hại tình huynh đệ. Khi nhà tan cửa nát, họ không vật vã lập Facebook, không trèo lên truyền thông gào thét, lại càng không rền rĩ làm thơ. Họ chỉ âm thầm buồn bã bỏ đi tìm "rìa nước".
Trong đám hảo hán khốn khổ đấy, thì oan ức khốn nạn nhất vẫn là Báo Tử Đầu Lâm Xung. Lâm giáo đầu từ bé đã anh hùng, thậm chí lúc chưa tuyệt lộ còn là một anh hùng may mắn. Công việc hanh thông, nhà cửa khang trang sung túc. Vợ vừa xinh vừa ngoan, chung thủy ôn nhu. Đặc biệt có một bố vợ tốt bụng không bàn phím nào tả xiết. Thế rồi có đứa công tử con một thằng quan lớn, nhác thấy nhan sắc vợ Lâm thì đổ đốn say mê. Nó lập mưu cùng thằng bố hãm hại tống Lâm Xung đi đầy. Oan khổ thấu trời, nhưng những tay chồng thời nay đang kiện cáo tranh của ly hôn với vợ, hãy nghe Lâm giáo đầu bộc bạch cùng nhạc phụ. "Con chẳng may gặp ngày xung tháng hạn, phải đi đày ải xa khơi mất còn chẳng biết. Vợ chồng con ăn ở đã ba năm chưa từng trái ý, nhưng vợ con đang trạc thanh xuân không thể ở góa. Vậy con xin viết tờ hưu thư để vợ con tùy tiện lấy chồng, như thế con mới yên lòng đi được" (Sách đã dẫn - NXB Văn Học 1988 - Tập 1, trang181). Xe hơi nhà lầu, Lâm Xung thanh thản để lại tất cho người vợ trẻ. Tất nhiên, vợ của một vị anh hùng thường là một nữ anh hùng. Lâm hiền thê khi rơi tuyệt lộ đã chọn cái chết, tự ải, để thủ tiết đáp ân tình chồng. Hành xử của vị liệt nữ ấy đúng sai thế nào, kẻ viết bài này không dám lạm bàn, xin nhường cho các quý cô quý bà thời nay nhận xét.
Thực ra, để luận anh hùng thì thuyết phục nhất người luận cũng phải anh hùng. Sách Ngữ văn lớp 10 đã cực kỳ trượng phu khi đưa trường đoạn "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng" (NXB Giáo Dục, tập2, trang 80) vào dạy cho học sinh trung học. Tào Mạnh Đức văn võ kiêm toàn, vốn là vị vua lập ra nhà Ngụy (220-265), từng đi vào lịch sử Tầu với tư cách là một nhân vật hạng nhất. Tục truyền, khi bình các tên tuổi lừng danh trên tivi, trên văn đàn, trên chính trường, trên showbiz, ông ta chỉ gọn lỏn "rặt những thứ xương khô trong mả". Và để kết thúc semina với Lưu Bị, Tào Tháo buông một câu xanh rờn "Anh hùng trong thiên hạ, mỗi tôi với ông". Lưu Bị rụng rời rơi chén, bẽn lẽn đổ tại là mình chợt nghe thấy sấm. Thế mới biết, được một thật anh hùng coi là đúng anh hùng, chắc chắn trời phải rung đất phải chuyển.
Tuy nhiên, anh hùng không phải là cái gì quá kỳ vĩ, quá xa xôi. Cổ nhân vẫn bảo "tự tri giả anh, tự thắng giả hùng", nôm na biết mình là ai rồi trung thực vượt qua những hạn hẹp của chính mình. Có phải vậy chăng mà khi lâm tuyệt lộ rơi vào cảnh cùng mạt, khá nhiều đàn ông bình thường nhưng căn chất thiện lương với đôi chút sáng suốt từ giời đất phù hộ, đã thăng hoa trở thành xuất chúng hào kiệt./.

Tạp văn của Nguyễn Việt Hà