Tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris: Lời cảnh báo cuối cùng cho cộng đồng quốc tế
Lãnh đạo Việt Nam và nhiều nước lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố dã man và hèn hạ ở Paris, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp, đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải đưa các thủ phạm của những hành động khủng bố này ra công lý”.
Đây không phải lần đầu tiên Paris bị khủng bố tấn công. Hồi đầu năm, Paris từng bị rúng động bởi vụ tấn công vào tòa soạn Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo. Các chuyên gia cho rằng, lực lượng khủng bố chọn Paris làm địa điểm tấn công là để trả thù cho việc quân đội Pháp tham gia không kích IS ở Syria. Ngoài ra, nguyên nhân khiến nước Pháp trở thành mục tiêu của khủng bố còn do tại đây có cộng đồng người Hồi giáo khá đông và phần lớn họ không thể hòa nhập vào xã hội Pháp; thanh niên Hồi giáo tại Pháp không xác định được lợi ích quốc gia rõ ràng, dao động giữa nguồn gốc và quốc gia đang định cư, cộng thêm những tác động tâm lý đã thúc đẩy họ gia nhập IS và tham gia các hoạt động khủng bố ngay tại Pháp. Trong khi đó, chính sách đối ngoại của Pháp đang mất đi sự độc lập, khiến cho bản sắc dân tộc Pháp dần mất đi, tạo thời cơ cho khủng bố cực đoan có đất sinh sôi.
Theo nhà phân tích chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ-Circuit Bozkurt, thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Paris, tổ chức IS muốn “dằn mặt” thế giới trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi các bên tham dự bàn bạc việc phối hợp chống khủng bố, cực đoan. Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Thượng viện Nga về An ninh và Quốc phòng-Franz Klintsevich đánh giá: Loạt tấn công khủng bố tại Paris là kết quả của chính sách di cư thiếu cân nhắc của Liên minh châu Âu (EU). “EU đã dễ dãi tiếp nhận dòng người di cư đến từ Trung Đông và không lường hết được mối đe dọa đến từ những kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người tỵ nạn”-ông Klintsevich nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo các cuộc tấn công khủng bố tương tự không loại trừ sẽ xảy ra ở các nước EU khác trong thời gian tới. Còn người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Quốc tế-Andrei Yurov thì cho rằng: Thảm kịch ở Paris là một thách thức nghiêm trọng đối với toàn bộ nền văn minh hiện đại, đặc biệt là mối nguy hiểm xuất phát từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Vụ tấn công đẫm máu tại Paris diễn ra chỉ một ngày sau vụ đánh bom tàn phá mà IS nhận trách nhiệm ở Beirut hôm 12-11 và trong bối cảnh có nhiều nghi vấn chiếc máy bay Nga rơi ở bán đảo Sinai (Ai Cập) ngày 31-10 cũng do lực lượng này gây ra, cho thấy bóng ma IS đã thực sự trở thành hiểm họa với bất cứ quốc gia nào. Vậy nhưng, cộng đồng quốc tế-trước hết là các nước có “vai vế” lại phân cực trong những tính toán của mỗi nước. Hoa Kỳ, với lợi thế nằm ngoài khả năng “truy cập” của lực lượng Thánh chiến Hồi giáo dường như đang “chọn nhầm” mục tiêu khi thay vì bằng mọi cách tiêu diệt tận gốc lực lượng khủng bố thì chỉ chăm lo loại bỏ chính quyền Al-Assad ở Syria, đồng thời thực thi chính sách “tọa sơn quan hổ đấu”. EU, qua thái độ bàng quan trước chiến dịch quân sự của Nga tại Syria nhằm tiêu diệt IS, có vẻ muốn “im lặng là vàng”, hy vọng “ta không đụng đến người thì người cũng không đụng đến ta”. Những giờ phút tang thương tại Paris hoa lệ trong ngày “thứ sáu đen” là lời cảnh báo cuối cùng, rằng chừng nào còn lợi dụng IS và các lực lượng Hồi giáo cực đoan khác để đạt được những lợi ích chính trị ích kỷ cho riêng mình, thì chừng đó người dân vô tội còn đổ máu ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào. Rằng để bảo vệ mạng sống cho người dân thì không còn cách nào khác là phải thực sự thống nhất, phối hợp tấn công mạnh mẽ, quyết liệt vào quân khủng bố và những kẻ tiếp tay, nuôi dưỡng chúng.
IS (và cả Taliban hay Al-Qaeda) không tự nó sinh ra và phát triển, mà tất cả đều từ mưu đồ chính trị của những thế lực cường quyền. Những ai gieo những cơn gió độc đầu tiên dẫn đến cuồng phong trong lòng thế giới Hồi giáo chính là những người phải trả lời cho thảm kịch hôm nay.
Nguyễn Đăng Song