Tân cảng Sài Gòn: Giữ vững chuỗi sản xuất trong đại dịch
Hoạt động tại Tân cảng Gài Gòn đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt.
Với quyết tâm “Vừa chống dịch, vừa sản xuất”, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đang nỗ lực đồng hành với khách hàng và hãng tàu, quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp nhằm giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu không có nguy cơ bị đứt gãy, duy trì hoạt động sản xuất thông suốt tại cảng Tân cảng Cát Lái và các cơ sở trực thuộc Tân cảng Sài Gòn, đặc biệt là từ nay cho tới cuối năm, thời điểm mua sắm lớn nhất từ các thị trường lớn trên thế giới.
Cảng Tân cảng Cát Lái đứng thứ 31 trong các cụm cảng container lớn nhất thế giới, phục vụ gần 40% sản lượng container xuất nhập khẩu cả nước, thuế xuất nhập khẩu chiếm khoảng 7% tổng thu ngân sách quốc gia. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong nước và trên thế giới, cảng Tân cảng Cát Lái gặp một số khó khăn tạm thời như lượng container hàng nhập tồn bãi do nhiều nhà máy, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, khai thác luồng hàng hóa xuất nhập khẩu. Trước tình hình đó, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn triển khai quyết liệt các giải pháp để giảm ùn tắc, duy trì hoạt động sản xuất thông suốt.
Đại tá Ngô Minh Thuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, hoàn toàn không còn hiện tượng ùn ứ tại cảng, bảo đảm cho các chuỗi cung ứng vận hành nhịp nhàng. Tổng công ty sẵn sàng hàng loạt giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng. Tân cảng Sài Gòn khẳng định trong thời gian tới duy trì hoạt động của các cảng biển, kho bãi của Tổng công ty, không làm đứt gãy và đảm bảo các chuỗi cung ứng, vận hành một cách nhịp nhàng theo nhu cầu của nền kinh tế”.
Để đảm bảo vừa tổ chức tiếp nhận tàu, xếp dỡ hàng hóa, vừa tuân thủ công tác phòng, chống dịch, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Tăng tốc độ giải phóng số container nhập ra khỏi cảng,đối với những container hàng nhập của các nhà máy đang tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19, Tân cảng Sài Gòn sẽ chuyển số hàng này về 4 cơ sở khác, bao gồm: Tân cảng Hiệp Phước và các hệ thống cảng cạn: Tân cảng Long Bình, Tân cảng Nhơn Trạch, Tân cảng Sóng Thần. Đồng thời điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực; nâng tối đa khả năng chất xếp container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài cảng… Theo Trung tá Nguyễn Phương Nam - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ rất nhiều chính sách hấp dẫn như miễn toàn bộ phí nâng để lấy container cũng như chi phí lưu bãi; đối với container lạnh thì chúng tôi miễn phí 24 giờ vận hành điện lạnh tại đây. Như vậy là gần như tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã miễn gần hết những chi phí để lấy container tại cảng đối với doanh nghiệp và để với mục tiêu là đồng hành, chung tay cùng với khách hàng trong giai đoạn khó khăn.
Để ứng phó với đại dịch, Tân cảng Sài Gòn cũng hiện đại hóa tất cả các thủ tục giao nhận qua mạng, triển khai tính năng “Đăng ký xuất tàu online” để trong bất cứ hoàn cảnh nào thì các thủ tục hành chính, thủ tục kiểm soát dịch bệnh cũng không ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa; đồng thời chủ động ký hợp đồng với các cảng lân cận, trường hợp dịch bệnh trở nên phức tạp sẽ đưa tàu sang các cảng dự phòng để xếp dỡ và giao hàng cho phía doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Phúc - đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Kim Quang, T.P Hồ Chí Minh cho biết: “Tổng công ty có triển khai nhiều dự án đưa hàng hóa về những cảng khác để hỗ trợ cho việc tránh ùn ứ tại cảng nên việc giao nhận, xuất hàng hay nhập hàng cũng tránh ảnh hưởng, ùn ứ, thời gian để tiến hành lấy hàng về cũng nhanh hơn, tránh các chi phí như là đảo chuyển hay là kẹt bãi. Việc hỗ trợ của cảng hỗ trợ rất nhiều cho phía doanh nghiệp.”
Tân cảng Sài Gòn xây dựng các kịch bản về hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng từ nay cho đến cuối năm 2021 dựa trên diễn biến tình hình dịch Covid-19, bởi đây là thời điểm mua sắm lớn nhất từ các thị trường lớn như Mỹ, hay châu Âu. Những nỗ lực của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và các doanh nghiệp cảng biển là tiền đề quan trọng để duy trì dòng hàng hóa thông suốt, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra nhanh chóng, góp phần giữ thị trường và khách hàng, bảo đảm tốt 2 mục tiêu “kép”: Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước.
Ngọc Linh