Tam thất - dược liệu quý (26/01/2010)

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, củ thu hoạch từ 3-7 năm trồng, có hình trụ hoặc hình khối, dài khoảng 1,5 - 4cm, đường kính 1 - 2cm. Trồng càng lâu năm, củ càng to, giá trị càng lớn. Tùy theo kích thước củ mà tam thất được chia làm 4 loại: Loại 1 (100g có 12 củ), loại 2 (100g có 16 củ), loại 3 (100g có 20 củ), loại 4 (100g có trên 20 củ, mỗi củ nặng dưới 5g).

Củ tam thất được xem là một trong hai loại sâm tốt của Việt Nam, đó là sâm ngọc linh hay sâm K.5. Từ xa xưa, Tam thất đã được nhân dân tin dùng như là vị thuốc bổ dùng thay nhân sâm nên mới có tên “giống nhân sâm” ngoài ra còn có tên “vàng không đổi” (kim bất hoán).

Theo dược điển Việt Nam thì củ Tam thất vị đắng-ngọt, có tác dụng bổ huyết, giảm đau, tiêu ứ huyết, trị thiếu máu, sưng viêm, người mệt mỏi, nhức đầu, ít ngủ. Củ Tam thất có “tuổi” 5-7 năm mới có nhiều hoạt tính. Người ta thường phối hợp củ tam thất (khoảng 12g) hầm với gà ác (thịt chứa nhiều lysin) thành món gà ác hầm tam thất để làm thức ăn bổ dưỡng cho người suy nhược, dưỡng bệnh, sản phụ sau khi sinh. Vì thế Tam thất thường được dùng chung với các dược liệu bổ khác như mật ong, nhân sâm thành thuốc bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe, chống suy nhược dưới dạng thuốc rượu, thuốc uống hay thuốc ngậm.

Tam thất có hai tác dụng chính là cầm máu và bổ dưỡng do có hoạt chất quý của nhân sâm. Gần đây, tam thất còn được dùng trong một số trường hợp ung thư (phổi, tuyến tiền liệt, vòm họng, vú) với kết quả tốt.

Dùng sống dưới dạng bột hoặc mài với nước uống hoặc dạng lát cắt thì ngậm nhai rồi nuốt để chữa thổ huyết, băng huyết, rong kinh, chảy máu cam, máu hôi sau khi đẻ, kiết lỵ ra máu, khối u (ung thư). Bột tam thất rắc ngoài làm cầm máu nhanh các vết thương.

Dùng chín trong những trường hợp thiếu máu, suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy, người già yếu, suy dinh dưỡng bằng cách hầm với hột sen, gà ác (có thể thay bằng gà giò), vài ngày ăn một lần. Gà bóp cổ cho chết (không cắt tiết), làm sạch lông, lòng, cho vào thố sành hoặc thủy tinh cùng tam thất (xắt lát mỏng), kỷ tử, long nhãn, táo tàu, gừng, thêm chút muối, chưng cách thủy trong 2-3 giờ cho gà chín mềm là được. Đây là món ăn bài thuốc vì trong 100g thịt gà chứa 20,5g protid và 11,8g lipid, nhiều chất khoáng như calci, sắt, nhất là phosphor kết hợp với hoạt chất arasaponin trong tam thất tạo nên mùi thơm, vị ngon ngọt và bổ dưỡng.

Có thể ngâm rượu uống. Đơn giản thì hãm tam thất với nước sôi như pha trà, uống làm nhiều lần vừa dễ làm, tiện lợi, vừa giữ được hương vị, hoạt chất. Nước hãm tam thất pha với sữa dùng cho trẻ em rất tốt.

Có thể phối hợp với nhân sâm trong trường hợp uống riêng tam thất thấy có cảm giác "nóng", nhất là đối với những người mà khí, huyết đều suy kiệt. Tuy nhiên, nên uống hỗn hợp sâm - tam thất vào ban ngày và uống riêng tam thất vào buổi tối vì nhân sâm sẽ làm cho tỉnh táo, khó ngủ.

Tam thất còn phối hợp với kỷ tử, cúc hoa chữa các chứng bệnh về mắt; với hoa hòe hoặc rutin trong những trường hợp chảy máu; với linh chi lại tăng cường miễn dịch, chống stress, cải thiện trí nhớ.

Theo tài liệu nước ngoài thì tam thất có tác dụng lưu thông tuần hoàn máu, giảm lượng cholesterol trong máu, hạ đường huyết, kích thích hệ miễn dịch, ức chế vi khuẩn và virus, chống viêm, giảm đau, giúp mau lành vết thương. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng hướng dẫn trị liệu lâm sàng dùng củ Tam thất điều trị phụ nữ sau khi sinh bị rong kinh, nhức đầu hoa mắt, chóng mặt, trị xuất huyết đường tiêu hóa trên, ho ra máu, tiểu tiện ra máu, vết thương chảy máu.

Theo Bệnh viện Y học Dân tộc TP.HCM thì tam thất dùng chung với Linh chi theo tỉ lệ 50/50 có tác dụng làm đen tóc bạc. Tam thất bảo vệ tim, phòng ngừa bệnh mạch vành, phòng ngừa thiếu máu não, hạ huyết áp, chống say tàu xe, an thần, làm chậm lão hóa. Tam thất còn có khả năng hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan… Cần nhớ là phụ nữ đang mang thai không nên dùng tam thất.

Thu Hải