Sự đồng lòng, chung sức là yếu tố quyết định thành công thực hiện chính sách “Tam nông”. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành, thu hút sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ban, ngành; các đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân cả nước. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 26, Ngành Nông nghiệp, khu vực nông thôn và đời sống của nông dân ở các vùng miền trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng. Tổng ngân sách Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn khoảng 1,17 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP Ngành Nông nghiệp đạt 2,66%/năm; giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng và đạt trên 90 triệu đồng/ha; xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD; tăng 2,2 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2017 đạt 32 triệu đồng, tăng gần 3,5 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm, riêng huyện nghèo giảm 4%/năm.

Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều HTX kiểu mới, trang trại với quy mô lớn hơn, phát triển nhiều hình thức liên kết đa dạng. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp năm 2017 trên 7.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp uy tín, có nguồn lực hùng hậu cả ở trong nước cũng như ngoài nước tham gia, tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Với sự chung tay góp sức ấy, bộ mặt nông thôn không chỉ ở khu vực đồng bằng châu thổ mà ở cả những khu vực miền núi, hải đảo xa xôi đã có những thay đổi cơ bản theo hướng tích cực. Đến năm 2017, cả nước có 99,4% số xã có đường nông thôn đến trung tâm xã. 100% số xã và 99,2% số hộ nông thôn có điện, 99,7% số xã có trường tiểu học và trường mẫu giáo, 99,5% số xã có trạm y tế, 88,5% dân số nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh. Tính đến tháng 6-2018, cả nước có 3.346 xã, 43 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 13,7 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ là 13,7%, tăng 5,5% so với năm 2008. Trên 13.000 HTX nông nghiệp cùng với trên 35.000 trang trại xuất hiện trên địa bàn cả nước, hướng tới một nền sản xuất lớn, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng.

Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển. Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh và tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh, bình quân 1,5%/năm.

Những sự chuyển biến tích cực này mang lại những kỷ lục cho ngành nông nghiệp, năm 2017 xuất khẩu gạo của Việt Nam nằm trong tốp đầu thế giới, tổng sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp 2017 đạt giá trị 36 tỷ USD, 2018 tiếp tục lập kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu ước đạt giá trị trên 40 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất của nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngày càng tăng với một số lại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thế giới như lúa gạo, cà phê, cao su, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Nhờ vậy, năm 2017, Ngành Nông nghiệp đóng góp vào tăng trưởng GDP 2,66%. Quy mô GDP của cả ngành tăng gấp 1,25 lần trong năm 2018.

Tuy nhiên, báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26. Đó là Ngành Nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại; kinh tế nông thôn phát triển không đều, thiếu ổn định; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; thu nhập, đời sống phần lớn nông dân dù đã có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do sẽ có nhiều tác động lớn đến phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và Ngành Nông nghiệp nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi phải từng bước khắc phục. Những kết quả đạt được và hạn chế được chỉ ra đang là động lực để cả nước cùng thực hiện trong thời gian tới để “Tam nông” kết thành trái ngọt, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Quốc Huy