Tâm niệm cuối đời của một công dân ở Hà Tĩnh
Thư của ông Trần Gia Lượng viết: Năm 1973, ông được Bộ Giáo dục Đào tạo điều đi công tác B, đến năm 1974 được cử làm Hiệu trưởng Trường Thanh niên dân tộc ở Khe Sanh, Quảng Trị. Tháng 3-1975, được điều đi tiếp quản T.P Huế, cuối năm 1976 được điều về Quảng Trị và được cử làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 Hải Ba - Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Vào thời điểm này, ông được Ty Giáo dục Quảng Trị giao nhiệm vụ cải tạo, tu sửa một bệnh xá cũ (của bà Xơ ) do ngụy quyền để lại thành khu văn phòng và nhà ở của giáo viên, đồng thời tiến hành việc xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất lớp học cho học sinh. Về kinh phí và vật tư, Ty Giáo dục là chủ đầu tư (trực tiếp quản lý, quyết toán), nhà trường chỉ có nhiệm vụ phối hợp giám sát, nghiệm thu công trình. Trong quá trình xây dựng, kiến thiết, Ty Giáo dục phân công ông Bùi Xuân Nhiên -Trưởng phòng Xây dựng cơ bản và ông Nguyễn Văn Thao - cán bộ phụ trách xây dựng của phòng làm nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, giám sát và báo cáo để Ty Giáo dục quyết toán.
Công trình xây dựng và cải tạo của trường đang được tiến hành thì có chủ trương sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, nên Ty Giáo dục tỉnh Quảng Trị có chỉ đạo cho 4 trường cấp II trong huyện Hải Lăng (trong đó có Trường cấp II Hải Ba do ông Lượng làm Hiệu trưởng) được phép “chiết tính” các hạng mục công trình phải làm, tức là tạm tính để đề nghị cấp kinh phí vật tư hoàn thành công trình trước khi sáp nhập tỉnh. Đây là sự chỉ đạo của Ty Giáo dục, đồng thời Ty cử cán bộ xuống cùng nhà trường và UBND xã Hải Ba lập và cùng ký vào bản nghiệm thu công trình để Ty giải ngân (theo phương châm vừa xây dựng, vừa nghiệm thu đưa vào sử dụng).
Tuy nhiên, công việc đang diễn ra bình thường, thì đến ngày 19-1-1978, ông Lượng bị công an bắt với lý do “Tham ô tài sản XHCN” theo đơn thư tố cáo của ông Lê Văn Cừ - cán bộ Công an xã Hải Ba. Thư tố cáo của ông Cừ cho rằng trong quá trình nghiệm thu quyết toán, ông Lượng khai khống, lập nhiều chứng từ giả để tham ô, chiếm đoạt tài sản XHCN. Trong đơn ông Cừ còn nêu ra 14 khoản mà ông Lượng đã khai khống và nâng khống nhiều khoản chi tiêu. Cho rằng đây là việc làm đi ngược lại với kết quả mà Đoàn kiểm tra của Ty Giáo dục đã về kiểm tra và ký vào các văn bản thừa nhận mức kinh phí mà ông Lượng và nhà trường đã tiến hành xây dựng, cải tạo tu sửa trường học nên ông Lượng bị bắt.
Sau gần 2 năm bị bắt tạm giam thì TAND tỉnh Thừa Thiên Huế (sau khi tách khỏi tỉnh Bình Trị Thiên) mở phiên toà xét xử sơ thẩm và ngày 17-10-1980. Tiếp đó, Tòa Phúc thẩm TAND Đà Nẵng kết tội ông Lượng tham ô tài sản XHCN và tuyên phạt ông 3 năm tù giam, bắt bồi hoàn số tiền 2.990,65 đồng. Ngay sau phiên toà phúc thẩm, ông Lượng có đơn kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm để minh oan cho ông, nhưng vẫn chưa được TAND Tối cao xem xét, giải quyết… Sau đó, ông Lượng liên tục có đơn thư gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ… Nhiều cơ quan có phiếu chuyển đơn đến TAND Tối cáo xem xét nhưng vẫn chưa có kết quả.
Liên quan đến vụ án, tìm hiểu được biết ông Bùi Xuân Nhiên - nguyên cán bộ phụ trách xây dựng của Ty Giáo dục cho biết: ông Trần Gia Lượng là một cán bộ quản lý của ngành, một đảng viên nhưng khi Công an đến bắt ông Lượng đi, Ngành và Chi bộ không hề hay biết, được thông báo gì.
Còn ông Nguyễn Văn Thao - nguyên cán bộ phụ trách xây dựng của Phòng Giáo dục huyện Hải Lăng thì cho hay: Đọc bản án phúc thẩm tôi nhận thấy giữa người tố cáo và người bị tố cáo có mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tính chất của vụ án. 14 chứng từ cho là ông Lượng tự lập để tham ô, chiếm đoạt có đến 6 chứng từ kết luận không có cơ sở, bởi lẽ: “Các khoản chi tiêu của trường đưa vào nghiệm thu hoàn toàn công khai và đúng thực tế - tất cả giáo viên, chính quyền địa phương ai cũng biết việc này” - ông Thao nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Khải - nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Ba lại nói: Việc bắt ông Trần Gia Lượng cần phải được xem xét lại. Khi bắt ông Lượng chỉ qua một đơn thư tố giác của một cán bộ địa phương. Khi bắt không thông qua đơn vị chủ quản, Bí thư, Chủ tịch thời điểm đó không hay biết vụ việc xảy ra.
Ông Trần Bạch Đằng - nguyên giáo viên nhà trường, Tổ trưởng Công đoàn cho biết: Năm học 1977 là một năm vừa giảng dạy vừa kiến thiết xây dựng. Đang học, đang làm thì đột nhiên ông Lượng bị bắt, anh em giáo viên không ai rõ lý do bắt vì cái gì? Sau này mới được biết ông Lượng bị kết tội tham ô tài sản XHCN…
Được biết, ông Lượng hiện đang lâm bệnh nặng, mong muốn tâm niệm cuối đời của ông là được TAND tối cao xem xét lại vụ án mà các cấp Tòa đã xét xử ông về tội “tham ô tài sản XHCN” như nêu trên.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi