Trải qua thời thơ ấu gian khó cùng gia đình, trải qua thời gian quân ngũ từ năm 1975 đến 1979 tại Lữ đoàn công binh 239, sau khi xuất ngũ, anh Đường cũng như nhiều đồng đội khác bươn chải với cuộc sống kiếm tiền nuôi vợ con bằng công việc đi chuyển bia thuê… Trong quá trình lao động này, anh đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Đến năm 1987, với số vốn tích cóp được và vay mượn thêm, anh vận động các đồng đội là thương binh, CCB Đỗ Hoàng Thuận, Nguyễn Đình Thông, Trần Gia Phương, Trần Việt Hùng, Thái Tiến Vượng… cùng tham gia thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình chuyên sản xuất bia và các loại nước giải khát cung cấp ra thị trường. Chú trọng chất lượng, giá rẻ nên sản phẩm của các anh đã được thị trường tiêu thụ mạnh, làm ăn ngày càng suôn sẻ nguồn vốn tích lũy càng nhiều. Đến năm 1993, Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình của các anh được nâng cấp lên thành Công ty với các đơn vị thành viên là Công ty Đường malt (chuyên sản xuất malt chất lượng cao cung ứng cho Tổng công ty Bia Sài Gòn và nhiều công ty bia khác), Công ty CP xây dựng Hòa Bình, Công ty dịch vụ bảo vệ thương binh nặng Hòa Bình tạo việc làm cho hơn 70 thương binh, Công ty sản xuất thép Hòa Bình, Công ty liên doanh rượu Việt-Pháp… tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động, sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đoàn đại biểu đến thăm quan, động viên.
Bên cạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Công ty Hòa Bình và anh Đường được mọi người nhắc đến như một người hết lòng với việc nghĩa, luôn nhớ đến các đồng đội đã hi sinh bằng những việc làm thiết thực, anh đã trích lợi nhuận của mình với số tiền hàng trăm tỷ đồng để xây tặng Trung tâm đón tiếp gia đình liệt sĩ ở Đông Hà (Quảng Trị), hai quả chuông và hai tháp chuông tại NTLS Đường 9 và NTLS Trường Sơn, đúc tượng Bác Hồ dâng lên Khu di tích Định Hóa (Thái Nguyên), góp tiền xây 102 nhà tình nghĩa tại Hà Nội… Anh còn là một trong những điển hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần thiết thực vào thúc đẩy nền sản xuất trong nước. Cùng với việc góp ý, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về thúc đẩy sản xuất trong nước, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường còn quyết định nhập đồng bộ những thiết bị hiện đại để sản xuất nước giải khát như bia, nước lọc tinh khiết, nước lon Cola V+…, nhiều loại sản phẩm may mặc chất lượng cao thuần Việt và bán ra tận tay người tiêu dùng với giá còn thấp hơn giá chợ. Thiết thực hơn, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường còn quyết định từ chối lời đề nghị thuê Trung tâm thương mại Hòa Bình của Tập đoàn Big C với số tiền 330 tỷ đồng để mời các doanh nghiệp Việt đến mở cửa hàng miễn phí vĩnh viễn trên diện tích 25.000m2 mặt sàn của Trung tâm nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng sản xuất trong nước. Anh tâm niệm, hãy làm thiết thực để giúp người sản xuất đỡ tốn nhất, thuận tiện nhất; để người tiêu dùng trong nước mua được hàng với giá rẻ nhất, tốt nhất và mơ ước phát triển mẫu hình của mình đến tất cả 63 tỉnh thành trong nước. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 này, doanh nhân CCB Nguyễn Hữu Đường và Công ty Hòa Bình của mình còn trích quỹ phúc lợi của mình tặng người có công và gia đình chính sách TP Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa 245.000 suất quà, mỗi suất trị giá 80.000 đồng với các sản phẩm thuần Việt như mứt tết, đường, bánh kẹo… thiết thực hỗ trợ các đối tượng trong dịp vui xuân đón Tết.
Đến thăm anh trong những ngày này, thấy anh và các cộng sự tất bật chuẩn bị những chuyến xe đi tặng quà mà chúng tôi thêm cảm phục người CCB tài ba và luôn nặng nghĩa, nặng tình này với bản chất Bộ đội Cụ Hồ luôn luôn tỏa sáng.
Bài và ảnh:
Quốc Huy