Tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội: Huy động gần 200 người “thông”... 60m cống!
Theo đơn trình bày của CCB Đỗ Quang Vinh và một số hộ dân, ngày 8-8-2016, chính quyền xã Tiến Thắng và huyện Mê Linh tiến hành thi công cống thoát nước tại ngõ Đông Nhị, thôn Bạch Trữ. Quá trình thi công đã xảy ra việc bắt giữ 3 người dân ngõ Đông Nhị (trong đó có vợ CCB Đỗ Quang Vinh), thôn Bạch Trữ và thu giữ 1 máy quay phim trị giá khoảng 20 triệu và 2 phương tiện xe máy và xe lôi.
4 năm không thông được đoạn cống!
Trong đơn CCB Đỗ Quang Vinh và các hộ dân trình bày: Ngõ Đông Nhị dài khoảng 110m, có hình cầu vồng (gồ sống trâu), 5 hộ phía trong ngõ, thải nước sinh hoạt chảy về phía trong, đổ xuống ao nhà ông Đỗ Văn Nhon (hộ phía trong cùng ngõ), rồi chảy ra đồng; 5 hộ phía ngoài, nước thải đổ ra hệ thống cống rãnh tạm bợ của làng. Năm 2011, gia đình ông Đỗ Văn Nhon lấp ao chia cho con cái làm nhà ở, dẫn đến 5 hộ phía trong ngõ Đông Nhị luôn bị ngập úng do nước thải không có lối thoát.
Đến năm 2012, các hộ dân bên trong ngõ bàn bạc phương án làm cống thoát nước chảy từ trong ra ngoài đầu ngõ, nhưng các hộ bên ngoài cho rằng làm cống quá sâu (đoạn sâu nhất lên tới 1,4m) sẽ ảnh hưởng đến nhà ở, công trình xây dựng của một số hộ dân, đặc biệt là đoạn hộ ông Nguyễn Công Ất, ở giữa ngõ, có nguy cơ đào sâu sẽ ảnh hưởng đến công trình của gia đình. Do các hộ không thỏa thuận được với nhau, nên xảy ra mẫu thuẫn từ đó. 5 hộ phía trong ngõ tự bỏ kinh phí ra làm đường và hệ thống thoát nước ngầm chảy ở giữa ngõ, dài khoảng 50m; 6 hộ phía ngoài cũng tự bỏ kinh phí ra làm 60m ngõ, nhưng không làm hệ thống thoát nước ngầm…
Trao đổi với ông Nguyễn Đăng Sửu - Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng về vấn đề trên, ông Sửu cho biết: Vụ việc như đơn phản ánh là có. Suốt từ năm 2012, xã đã 4 lần tổ chức hòa giải không thành vì các hộ dân không thống nhất được.
Theo ông Sửu, một trong những nguyên nhân sâu xa là do ông Nguyễn Công Duyệt, nhà ở bên trong ngõ (ông Duyệt là đảng viên) có lời nói khó nghe, khiến các hộ dân bên ngoài…phản ứng.
“Chính vì thế, ngày 8-8-2016, sau nhiều lần hòa giải không thành, chính quyền phải tổ chức để bảo vệ thi công cống thoát nước cho 5 hộ dân phía trong ngõ” - ông Sửu cho hay.
“Cống thông được thì... tình người cũng cạn”!
Sự việc trên sẽ không có gì đáng bàn nếu ngày 8-8, UBND xã Tiến Thắng và các ngành chức năng huyện Mê Linh gồm Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và đơn vị thi công (tổng cộng khoảng gần 200 người) và các phương tiện như bình cứu hỏa, còng số 8, dùi cui, súng bắn đạn cao su, máy cắt bê tông…và đề nghị Công an huyện hỗ trợ 1 xe chở phạm đỗ ở đầu làng, rầm rộ xuống ngõ Đông Nhị, để bảo vệ thi công đoạn cống dài khoảng 60m! Theo Kế hoạch số 01/PA-CAX, Công an xã Tiến Thắng chuẩn bị 3 nhân chứng, phân công 4 chốt chặn và đặt ra 3 tình huống để bảo vệ việc thi công!
Sáng ngày 8-8, việc thi công diễn ra tương đối an toàn, chỉ có một vài người có "xu hướng cản trở" là bà Hoàng Thị Phương, Nguyễn Thị Tạo và Nguyễn Công Ất được lực lượng chức năng "mời" về UBND xã từ khoảng 8 giờ sáng và được trả về lúc 1 giờ sáng ngày 9-8. Các cơ quan chức năng thu giữ 2 xe máy, 1 xe lôi và điều khá lạ là thu giữ 1 máy quay camera nhãn hiệu Sony, trị giá 20 triệu đồng, được đặt trong phần đất tư gia nhà ông Nguyễn Thế Nghệ để quay lại cảnh thi công ngõ Đông Nhị; lực lượng chức năng vào tận nhà thu giữ mà không tiến hành lập biên bản?
Theo người dân phản ánh, hôm tổ chức thi công 60m cống còn có cả một số người “lạ mặt”, núp bóng dân phòng cùng tham gia. Theo tư liệu, băng ghi hình, những đối tượng này tham gia buổi tổ chức thi công được mặc áo dân phòng, đeo băng khẩu hiệu đỏ, nhưng lại luôn bịt mặt bằng khẩu trang; thậm chí có đối tượng còn mặc cả quần cộc tham gia trà trộn vào đoàn bảo vệ của chính quyền?!
Nói về vụ việc trên, ông Nguyễn Đăng Sửu cho hay: Thực tế ngày 8-8, khi các lực lượng chức năng xuống bảo vệ thi công, có vài người có dự định cản trở nên đã mời về UBND xã. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày do đã cơ bản thi công xong nên chúng tôi bảo họ về nhưng họ cố tình ở lại đến 1 giờ sáng hôm sau, việc thi công diễn ra an toàn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: Liệu thi công 1 đoạn cống dài 60m, có cần huy động một lực lượng hùng hậu như vậy?, ông Sửu nói: Việc này tuy không lớn, nhưng phức tạp; xã rồi huyện nhiều lần mời các bên lên giải thích, hòa giải nhưng không bên nào chịu bên nào. Các hộ trong ngõ Đông Nhị đều là họ hàng anh em với tôi, nhiều lần tôi đã nhỏ to khuyên bảo nhưng không ai chịu nghe. "Ở cái xã này, nếu có 2 cái ngõ như Đông Nhị - có lẽ tôi cũng xin nghỉ chức Chủ tịch sớm" - ông Sửu than thở.
Về một số người “lạ” xuất hiện cùng đoàn bảo vệ thi công, ông Sửu cho rằng có thể do đơn vị thi công thuê để thi công cống. Theo báo cáo thì có khoảng 20 công nhân tham gia.... Con số chính xác, xin cung cấp sau cho PV. Tuy nhiên, phản ánh của người dân và băng hình thể hiện công nhân thi công được mặc áo màu xanh sẫm - có tên công ty ở sau lưng áo, không phải màu của lực lượng dân phòng...
Thiết nghĩ, đến lúc này, việc xây cống thoát nước ở ngõ Đông Nhị đã xong, nhưng khi cống thông thì tình người cũng cạn. Câu chuyện không hay nói trên, đành rằng do sự cố chấp của người dân trong ngõ, nhưng có lẽ cũng một phần do các ngành chức năng ở xã Tiến Thắng và huyện Mê Linh còn "non" trong vấn đề dân vận!
Được biết, chi phí cho việc tổ chức thi công ngõ Đông Nhị hết khoảng 280 triệu đồng. Nguồn kinh phí do đơn vị thi công ứng. Chính vì thế, có ý kiến cho là, việc đối ứng sau này sẽ được khấu trừ như thế nào khi mà người dân bỏ tiền xây dựng ngõ từ năm 2012? Và kinh phí chi cho việc huy động gần 200 người tham gia bảo vệ thi công 60m cống được lấy từ đâu? Rất cần phải được minh bạch hóa!
Bài và ảnh: Chính Nhi***Có dấu hiệu chưa tuân thủ qui định của pháp luật
Liên quan đến sự việc xảy ra tại ngõ Đông Nhị, trao đổi với luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong, Đoàn luật sư Hà Nội nhìn nhận:
Mọi hoạt động sử dụng ngân sách đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn đều phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định và ưu tiên số một cho mục đích phục vụ cộng đồng dân cư.
Khi triển khai trên thực tế, cần phải tôn trọng quyền tự do dân chủ trong việc đóng góp ý kiến của người dân sở tại; việc thi công cống tại ngõ Đông Nhị phải cắt đường bê tông do người dân tự đầu tư kinh phí thì cần có sự thông báo công khai, lấy ý kiến đồng thuận của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích công dân và nhà nước.
Việc lực lượng chức năng mới chỉ thấy người dân “có dự định cản trở” đã bắt người, thu giữ tài sản, đặc biệt là vào khu vực tư gia thu giữ máy quay là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, thể hiện sự coi thường người dân.
Trong vụ việc trên, có dấu hiệu không tuân thủ quy định của pháp luật về việc giữ người bởi căn cứ giữ người như ông Chủ tịch xã trao đổi là chưa đúng, không thể dựa vào đánh giá “có dự định cản trở” mà được phép giữ người, ngoài ra, việc giữ người cần phải tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục nhất định: phải có quyết định giữ người, thủ tục thông báo quyết định, lập hồ sơ tiếp nhận người… cơ quan chức năng xã Tiến Thắng đã thực hiện chưa? thực hiện như thế nào?
Về việc thu giữ tài sản của công dân cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật bởi lẽ, chưa có căn cứ xác định chủ đồ vật, phương tiện có hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu chỉ có “dự định cản trở” mà đã giữ người, thu giữ phương tiện, đồ vật là sai.***