Tái thiết Li-bi, nhiệm vụ đầy khó khăn (23/09/2011)
Theo lộ trình do Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) đặt ra, quá trình chuyển tiếp ở Li-bi sẽ kéo dài khoảng 20 tháng. Trong 8 tháng tới một quốc hội lập hiến gồm 200 thành viên sẽ ra đời để soạn thảo hiến pháp và thực hiện trưng cầu dân ý trước khi tổng tuyển cử và bầu tổng thống mới. Có vẻ như, một tiến trình dân chủ đã sẵn sàng ở Li-bi. Thế nhưng, con đường đến thành công đang phủ đầy gai góc và một giai đoạn hậu Ca-đa-phi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới chỉ bắt đầu. Các chuyên gia đã đánh giá rằng, hiện tại Li-bi vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ trong nước.
Trước hết, đó là những vấn đề chính trị nội bộ. Tình trạng phân hóa nội bộ của các phe phái trong lực lượng đối lập đang xuất hiện có thể trầm trọng hơn do những tranh chấp quyền lực lãnh đạo đất nước. Có thể thấy rõ, NTC chưa giành được sự ủng hộ tuyệt đối từ người dân và các phe phái, bộ tộc trong nước. Tại Li-bi vẫn còn nhiều nhánh quyền lực khác cũng đấu tranh vì mục tiêu của riêng mình. Căng thẳng chính trị nội bộ, mà theo đánh giá khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều, đang và sẽ dẫn tới những bất ổn an ninh ở Li-bi. Trong bối cảnh NTC chưa có một nhân vật lãnh đạo có đủ uy tín, kinh nghiệm điều hành đất nước, chưa có hệ thống luật pháp và các cơ quan thi hành pháp luật mới, bất ổn an ninh đang là thách thức thực sự đối với công cuộc tái thiết một nước Li-bi mới.
Hơn nữa, tung tích của nhà lãnh đạo bị lật đổ Ca-đa-phi hiện vẫn là một ẩn số; cuộc chống trả quyết liệt của những người trung thành với chế độ cũ tại thành trì cuối cùng như Xơ-tê và Ben-ni Uây-lết đang là thách thức đáng kể trước thành quả còn mong manh của NTC tại Li-bi. Tìm được ban lãnh đạo có khả năng quản lý đất nước nhằm hướng tới thể chế dân chủ như cam kết và thực hiện các kế hoạch tái thiết... cũng là một bài toán khó với NATO. Nếu không có một chiến lược hợp lý, không dễ bảo đảm rằng một chính phủ mới ở quốc gia Bắc Phi sẽ theo đúng trật tự như phương Tây mong muốn
Nhiều quốc gia và các tổ chức lớn trên thế giới đã cảnh báo nguy cơ Li-bi có thể bị thế lực Hồi giáo cực đoan chi phối. Nếu không sớm thành lập được chính phủ ổn định, Li-bi có thể lọt vào tay các thế lực Hồi giáo cực đoan. Nga cũng đưa ra cảnh báo rằng, Li-bi có thể trở thành căn cứ khủng bố tại Bắc Phi nếu chính phủ Li-bi không thể duy trì quyền lực. Đã xuất hiện những cảnh báo về sự có mặt của các nhân vật có tư tưởng Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ lực lượng sẽ nắm quyền ở Li-bi. Mới đây nhất, Lầu năm góc đã thừa nhận các phần tử An Kê-đa đang lợi dụng sự bất ổn an ninh để thiết lập cơ sở và phát triển mạng lưới tại đất nước sa mạc. Nguy cơ Li-bi biến thành một thiên đường mới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế là mối đe dọa cận kề đối với các lợi ích của phương Tây. Mỹ bày tỏ quan ngại rằng, tổ chức khủng bố quốc tế An Kê-đa đang manh nha kế hoạch thiết lập cơ sở và phát triển mạng lưới ở Li-bi chính từ những hỗn loạn trên toàn quốc gia Bắc Phi này. Điều đó nếu không giải quyết tốt sẽ lặp lại “vết xe đổ” I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Đặc biệt cấp cao của Liên minh châu Phi (AU) về Li-bi cũng vừa nhóm họp tại thủ đô Prê-tô-ri-a của Nam Phi để thảo luận về tình hình mới nhất tại Li-bi và xem xét tư cách thành viên AU của nước này, cũng như vai trò của NTC. Song song với việc trên, AU cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội cuối cùng trong việc trung gian hòa giải giữa ông Ca-đa-phi và NTC nhằm giảm bớt sự đổ máu.
Một trong những vấn đề được đánh giá là nguyên nhân của mọi khó khăn chính là tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Sau nhiều năm bị cấm vận, nền kinh tế Li-bi đã trở nên lạc hậu và phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu dầu mỏ. Tình trạng khó khăn về kinh tế đẩy Li-bi tới cuộc khủng hoảng về nhân đạo, cho dù chưa ở mức báo động, nhưng nó có thể xảy ra nếu sự lãnh đạo của hệ thống chính trị mới không đi đúng hướng.
Tuấn Minh