Các tướng lĩnh, các cán bộ và CCB thường gọi Đại tướng, Tổng Tư lệnh với cái tên hết sức thân mật và gần gũi: Anh Văn. Công lao, sự nghiệp của Đại tướng cống hiến cho đất nước đã được sử sách ghi bằng chữ vàng. Ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Noi gương Bác, thực hiện lời Bác dạy, ông sống một cuộc sống rất đẹp, trung thành, tận tụy, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Cuộc đi thị sát trận địa trên vùng rừng núi phía Bắc của Đại tướng chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới là một cuộc hành quân đầy gian nan, nguy hiểm. Cái đích quan sát là thị xã Cao Bằng, một thị xã nhỏ nhưng đứng ở địa bàn quan trọng. Qua kính viễn vọng, thị xã Cao Bằng hiện ra. Hai con sông Bằng và sông Hiến như hai tuyến chiến hào nước bao quanh thị xã này. Lại có những quả đồi trọc nằm như bát úp, nối tiếp nhau tạo thành chướng ngại vật. Nếu đánh vào thị xã, quân ta phải vượt sông và băng qua những quả đồi trọc. Như vậy là phơi mình trước chỗ trống làm mồi cho hỏa lực của kẻ thù. Buổi trưa, cả đoàn ăn bữa cơm dã chiến. Nghỉ một chút rồi Tổng Tư lệnh tiếp tục quan sát thị xã Cao Bằng. Trong ống kính, cái điểm thị xã mà cuộc họp với cán bộ trung đoàn trở lên ở Tha Phẩy Tứa quyết định nổ súng, giờ càng hiện rõ dưới tầm mắt của Đại tướng. Chiều, cả đoàn xuống núi. Một trận mưa to ập đến, mà mưa rừng, mưa núi rất dễ kéo dài lê thê, chưa biết lúc nào sẽ tạnh. Nhưng phải trở về Sở chỉ huy, cả đoàn đi trong mưa, người dẫn đường với hai ngọn đuốc lớn. Mưa to, nước suối lên cao. Tiếng thác đổ ào ào. Đại tướng vẫn bước đều. Qua cuộc quan sát thực địa, Đại tướng suy nghĩ, cân nhắc và đi đến quyết định: Không thể đánh vào thị xã Cao Bằng mà phải chuyển hướng sang một điểm khác. Là vì, đánh Cao Bằng khó giành được thắng lợi. Điểm đánh được chọn là cứ điểm Đông Khê. Hội nghị toàn quân nhất trí như ý kiến của Đại tướng. Đề nghị này được Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ chuẩn y. Bác chỉ rõ trận đánh mang tầm chiến lược này: “Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng, Lạng Sơn. Mất Đông Khê địch buộc phải đưa quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động. Quân ứng cứu của địch đã tan thì địch khó giữ nổi Cao Bằng, chúng rút khỏi Cao Bằng ta đánh càng thuận lợi”.

Bác Hồ theo dõi chặt chẽ diễn biến của trận Đông Khê. Người đứng trên một ngọn núi trực tiếp quan sát chăm chú cứ điểm của giặc, vừa đối chiếu với tấm bản đồ tham mưu, vừa nghe một cán bộ của Bộ chỉ huy chiến dịch báo cáo tình hình. Máy bay địch rít gào, thả bom, bắn phá các khu vực ngoại vi, có lúc xà xuống thấp, thấp hơn cả ngọn núi Bác đứng quan sát. Sau hai đêm một ngày chiến đấu (từ ngày 16 đến 18-9-1950), quân ta hoàn toàn làm chủ Đông Khê. Tiêu diệt xong vị trí Đông Khê, cả hệ thống đồn bốt của Pháp rung chuyển. Ngày 3-10, địch rút khỏi Cao Bằng, Ngày 10-10-1950 chúng tháo chạy ở Thất Khê, Lộc Bình, Đình Lập. Tiếp theo địch tháo lui khỏi Na Sầm, Đồng Đăng. Ngày 17-10, ta giải phóng Lạng Sơn. Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, quân ta đại thắng, tiêu diệt và bắt sống hơn 8.000 tên giặc, giải phóng một vùng đất quan trọng, suốt một dải biên giới dài 750km, gồm 35 vạn dân, mở thông biên giới, tạo nên một bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ trực tiếp quan sát thị xã Cao Bằng, đến chuyển hướng đòn đánh nhằm vào cứ điểm Đông Khê; tiếp đó là tiêu diệt cánh quân của hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông, bắt sống hai viên chỉ huy hai binh đoàn này; càng thấy rõ thêm tài thao lược của Đại tướng Tổng Tư lệnh. Ông có một tầm nhìn chiến lược và mưu trí cao siêu, chỉ huy quân đội giành được những chiến thắng quan trọng và quyết định.

Sau chiến dịch Biên giới, ngày 19-12-1950, nhân kỷ niệm 4 năm ngày Toàn quốc kháng chiến và 6 năm ngày thành lập quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 447/SL tặng thưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, kiêm Tổng Tư lệnh quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam Huân chương Hồ Chí Minh về thành tích: “Đã chỉ huy quân đội và dân quân chiến thắng giặc trong 5 năm kháng chiến trên các chiến trường, đặc biệt trong trận bảo vệ Việt Bắc thu đông 1947 và chiến dịch giải phóng biên giới mùa thu 1950.”… Năm 2008, kỷ niệm 60 năm Tổng Tư lệnh được thụ phong quân hàm Đại tướng, nhà thơ Tạ Hữu Yên có bài thơ “Khúc quân hành mùa xuân”, có những câu: “…Và, suốt chín năm kháng chiến/ Quân hàm Đại tướng sáng trên vai/ Cùng đoàn quân đi suốt chặng đường dài/ Những chiến dịch mở ra bước ngoặt/ Kiên định dấu chân son sắt/ Sông Lô gầm cùng súng thét Đông Khê…”.

Tô Kiều Thẩm (ghi)