TÁI CƠ CẤU HỆ THỐNG NGÂN HÀNG: Bước đột phá để phát triển đất nước (10/11/2011)
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2010, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có tới 135 ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân T.Ư và hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Con số không nhỏ nhưng thực tế đang thiếu những tổ chức tín dụng đủ mạnh, hoạt động minh bạch.
Thời gian qua, ngành ngân hàng phát triển mở rộng mà không có sự tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng liên quan tới chất lượng dịch vụ ngân hàng cũng như vấn đề quản trị rủi ro. Theo đánh giá của NHNN, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là sự thiếu tính ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn, dễ bị tổn thương mỗi khi môi trường kinh doanh biến động bất lợi. Những hạn chế này xuất phát từ điểm yếu trong cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị công nghệ, nhân lực.
Chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay rất yếu, năng lực quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp kém. Nhiều NHTM vì lợi ích nhóm cổ đông đẩy mạnh cho vay vào lĩnh vực nhiều rủi ro hoặc tình trạng cho vay chéo trong nội bộ công ty diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, các NHTM nhỏ mới tăng vốn đã chạy đua mở rộng mạng lưới và tăng tổng tài sản, dẫn đến những cuộc đua tranh lãi suất không lành mạnh. Điều này dễ làm ngân hàng bị rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn, thể hiện qua nợ xấu của hệ thống NHTM tăng khá cao. Vì vậy, rất cần thiết phải tiến hành tái cơ cấu hoạt động NHTM cả về khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và nhân lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
NHNN cũng vừa phát đi thông điệp khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Một trong những giải pháp hữu hiệu có thể lựa chọn là sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Để thực hiện chủ trương này, trường hợp cần thiết NHNN có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công, góp phần từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, phát triển bền vững. Chính phủ và NHNN không đặt ra việc nhất thiết phải sáp nhập nhưng đây là xu hướng tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh. Sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với việc đứng riêng rẽ nhờ có vị thế lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, mạng lưới phân phối…
Trong những năm sắp tới, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được Chính phủ điều hành thắt chặt. Mục tiêu hàng đầu được nhấn mạnh giai đoạn này là ổn định giá trị sức mua của tiền đồng Việt Nam, tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tốc độ tăng GDP hàng năm, kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán tương thích với tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng giữ ở mức thấp để kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI. Do đó, việc cơ cấu lại ngân hàng là một đòi hỏi cấp bách.
Dương Sơn