Tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn (Hà Nội): Một bệnh nhân nam bị chết tức tưởi sau khi truyền hai chai nước
Tử vong vì tách trách của y, bác sĩ?
Nhận được đơn thư của mẹ đẻ anh Phạm Quốc Huy chúng tôi tìm đến căn nhà nằm sâu trong con ngõ tại Tổ 2, thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược. Bên ban thờ nghi ngút khói hương, bà Nguyễn Thị Tế (54 tuổi), cùng cô con dâu Đỗ Cẩm Thu đang ngồi ủ rũ, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ trước sự "ra đi" quá đột ngột của anh Phạm Quốc Huy. Thắp nén nhang cho người quá cố, đưa tay lên gạt đi những giọt nước mắt lăn dài, bà Tế không giữ được sự bức xúc, nói với chúng tôi trong tiếng nấc nghẹn.
Bà Tế thẫn người mỗi khi nhắc đến anh Phạm Quốc Huy…
Bà Tế cho biết, khoảng 10h tối ngày 3-8-2014, Phạm Quốc Huy con trai bà đi làm về với biểu hiện sốt nhẹ, buồn nôn và đi ngoài nhiều lần. Thấy vậy, gia đình đã đưa Huy đến Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn để điều trị. Tại đây, sau khi bác sỹ Nguyễn Văn Dũng khám xong thì kết luận Huy bị rối loạn tiêu hóa, cúm và sốt, chỉ cần tiếp 2 chai nước là sẽ khỏe, mai được ra viện.
Tuy nhiên, sau khi khám xong, Huy được hai y tá của bệnh viện cho uống 1 viên C sủi giảm đau rồi tiến hành truyền nước. Xong việc, hai y tá đều về phòng trực ngủ. Khoảng 15 phút được truyền nước, Huy kêu đau và khó chịu trong người. Thấy vậy, bà Tế vội vàng bảo con dâu sang gọi bác sỹ đến xem. Sau một hồi gọi, gõ cửa, hai cô y tá mới mở cửa với thái khó chịu, vùng vằng đem dụng cụ đến phòng đo huyết áp cho Huy. Đo huyết áp xong, hai y tá bảo "không làm sao cả, mới truyền nước nên vậy thôi, lấy khăn ướt chườm vào đầu đi", rồi tiếp tục về phòng ngủ.
Theo bà Tế, thì trong quá trình truyền nước, Huy đi vệ sinh 3 lần, vẫn nói chuyện với bà và vợ bình thường. Cho đến khoảng 3 giờ sáng ngày 4-8, Huy được y tá tiếp tục truyền chai nước thứ 2 trong tình trạng sốt nhẹ và đi ngoài. Tuy nhiên, khoảng gần một nửa giờ sau khi truyền chai nước thứ 2, Huy bỗng có biểu hiện co giật, chân tay run lẩy bẩy, lạnh toát toàn thân, môi tím bầm. Thấy vậy, bà vội vàng chạy sang phòng trực gọi bác sỹ đến xem tình hình. Hai y tá chạy đến đo huyết áp, bắt mạch xong thì luống cuống, vội vàng gọi bác sỹ Dũng đến. Nhưng phải 15 phút sau, bác sỹ Dũng mới thủng thẳng đến, đo huyết áp, bắt mạch và kêu hai y tá cùng trợ giúp mình hô hấp nhân tạo cho Huy. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn...
Thấy chết đóng chặt cửa không cho người thân loan báo!?
Cũng theo bà Tế, khi biết Huy qua đời, bác sỹ Dũng và hai y tá của bệnh viện đã thông báo tình hình cho con dâu bà. Nhưng điều đáng nói, mọi người lại đóng chặt cửa lại, không cho Thu ra ngoài thông báo sự việc cho người thân.
Bất bình trước việc làm tắc trách của các y bác sỹ trong kíp trực hôm ấy của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, cũng như thái độ không đúng với y đức của người bác sỹ dẫn đến cái chết bất ngờ của Huy. Gia đình bà Tế đã làm đơn gửi đến chính quyền địa phương, công an huyện, viện kiểm sát huyện Sóc Sơn và đề nghị pháp y vào cuộc khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân Huy chết. Tuy nhiên, hơn một tuần trôi qua, gia đình bà Tế vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời nào của các cơ quan chức năng.
"Người mất thì đã mất rồi, có làm gì đi nữa thì con tôi cũng không thể sống lại được. Nhưng gia đình tôi hết sức bức xúc trước thái độ thờ ơ của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Đó không chỉ là việc làm tắc trách của kíp trực ngày hôm đó, mà ngay cả khi con tôi được an táng hơn 1 tuần nay rồi mà ngoài anh Tuấn (Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn) đến thắp hương cho Huy với cương vị hàng xóm thì không một ai trong bệnh viện đến thăm hỏi hay động viên gia đình tôi gì cả" - bà Tế cho biết.
Tìm hiểu về tiền sử bệnh tình của Huy ở gia đình, bà Tế cho hay: Huy chưa từng có tiền sử bệnh gì nghiêm trọng, bản thân Huy đang công tác tại Xí nghiệp mặt đất sân bay Nội Bài nên thường xuyên được khám bệnh định kỳ. Ấy vậy mà chỉ bị sốt và tiêu chảy thông thường, được bác sỹ truyền nước cho nhưng lại qua đời một cách hết sức đột ngột như thế.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn cho biết, kíp trực hôm đó có Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện là trực lãnh đạo, ngoài ra còn có bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, y tá Hương (khoa truyền nhiễm), y tá Duyên (khoa khám bệnh)... Ngay khi sự việc bệnh nhân Phạm Quốc Huy đột ngột qua đời, Ban lãnh đạo bệnh viện đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, yêu cầu bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn làm báo cáo. Đồng thời mời Sở Y tế, chính quyền địa phương, công an, pháp y Trung ương vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân Phạm Quốc Huy.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, ông Nguyễn Thanh Trúc (trái) đang trao đổi với PV.
Trả lời câu hỏi nguyên nhân vì sao anh Phạm Quốc Huy tử vong, ông Trúc cho hay: Vì chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan pháp y về nguyên nhân dẫn đến anh Huy tử vong nên phía bệnh viện chưa thể thông tin gì sâu…
Được biết, anh Phạm Quốc Huy là con trai duy nhất của vợ chồng bà Tế. Anh Huy lấy vợ được hơn 1 năm nay nhưng chưa có con.Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc khi có tình tiết mới. Doanh Chính
***Tử vong vì ngừng tuần hoàn, xuất huyết não?
**
**Theo báo cáo số 475/BC-BVĐKSS ngày 5-8-2014 của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn gửi Phòng nghiệp vụ Y và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, thì diễn biến bệnh nhân Phạm Quốc Huy nhập viện sau ít giờ thì tử vong, cụ thể như sau:**Vào hồi 00 giờ 15 phút ngày 4-8-2014, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Phạm Quốc Huy (sinh năm 1986), trú tại thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội trong tình trạng tỉnh, sốt cao (39.40c), huyết áp 140/60mmHg, nhịp thở 20 lần/phút. Bệnh nhân có trọng lượng 65kg.Sau khi được các y, bác sĩ kíp trực tiếp nhận và khám các bộ phận khác, chưa phát hiện được hiện tượng gì đặc biệt đối với bệnh nhân Phạm Quốc Huy.**Kết quả xét nghiệm: Hồng cầu 3.79 x 1012/L, bạch cầu 12.2H x 109/L, tiểu cầu 204H x 109/L.
Kíp trực ngày hôm đó đã chẩn đoán: Bệnh nhân Huy mắc “hội chứng cúm- rối loạn tiêu hóa”. Kíp trực y lệnh cho bệnh nhân nằm đầu cao 300, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị: Truyền tĩnh mạch Natriclorua 0.9% x 1000ml; Kaliclorua 01g x 01 ống TTM: XL giọt/phút; Metochlopramid 10mg x 01 ống/lần (TMC – 0 giờ 30 phút); Napharalgan codein x 01 viên/lần (Uống khi sốt cao); ORS (gói Oresol – Bù nước và giải điện - PV) x 1000ml; theo dõi nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở 3 giờ/lần, chăm sóc II – chườm mát.
Tuy nhiên, đến 4 giờ 25 phút, bệnh nhân Huy đang nằm đột nhiên lên cơn co giật toàn thân, trợn mắt; sau cơn giật bệnh nhân bất tỉnh, tím toàn thân, thở ngáp, nhiệt đột 40.40C. Y lệnh: ép tim ngoài lồng ngực, cho bệnh nhân Huy thở ô xy, cứ 3 phút tiêm 1 ống Adrenalin loại 01mg (tổng tiêm 35 ống).
4 giờ 40 phút, bệnh nhân Huy không tự thở, tím môi, đầu chi, mạch quay không bắt được. Kíp trực ngày hôm đó đã mời bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện (là người trực lãnh đạo) đến hội chẩn, quyết định đặt nội khí quản đường miệng, tiếp tục cấp cứu.
4 giờ 50 phút bệnh nhận Huy được thở theo bóp bóng, kiểm tra mạch quay không có, đồng tử trái 4mm, phải 2mm. Tiếp tục ép tim, lồng ngực; sốc điện lần 1 (150J), lần 2 (200J).
5 giờ 30 phút, bệnh nhân Huy bất động, thở theo bóp bóng nội khí quản, toàn thân tím, đồng tử 2 bên giãn to, phản xạ ánh mắt mất.
5 giờ 45 phút, bệnh nhân Huy bất động… điện tim là đường đẳng điện và đến… 6 giờ 20 phút bệnh nhân Huy tử vong.
Chẩn đoán tử vong của bệnh viện là: “Bệnh chính – ngừng tuần hoàn/TD xuất huyết não; bệnh kèm theo – hội chứng cúm/ rối loạn tiêu hóa”. *