Tác phẩm dự cuộc thi “Sâu nặng ân tình”: Người Anh hùng 11 lần được truy điệu sống
Xã Võ Ninh, một địa bàn ven QL1A có chiều dài khoảng 5 km nằm giữa bến phà Quán Hàu và cầu Dinh Thủy trở thành túi bom của các cuộc oanh kích. Có tháng Võ Ninh bị đánh phá 28 ngày, có ngày 32 lần. Ở bến phà Quán Hàu, 280 xe bị cháy, 58 lái xe hy sinh, 218 người bị thương...
Với khẩu hiệu hành động: “Xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu, tiếc công” từ năm 1965 - 1968, các thôn ở Võ Ninh huy động được 200.000 lượt ngày công, đào đắp 22.000 mét khối gạch đá để cứu đường cho mạch máu giao thông luôn luôn đảm bảo.
Không chỉ trên bộ, Võ Ninh còn bảo đảm giao thông đường sông, gồm các tuyến đò ngang Trúc Ly và tuyến đò dọc từ Quán Hàu đi Xuân Dục. Nếu như trên bộ phải dỡ nhà để san lấp hố bom, phải phá bom nổ chậm thì trên sông phải đối mặt với bom từ trường, phải phá thuỷ lôi, để đảm bảo cho những chuyến thuyền sang bến an toàn.
Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Huyện uỷ, các tổ rà phá bom mìn công binh xã Võ Ninh được thành lập và luôn nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm, kiên cường rà phá thành công nhiều bom từ trường, bom nổ chậm, thuỷ lôi, bảo vệ mạch máu giao thông. Tiêu biểu là Tổ cảm tử của các anh Nguyễn Xảo – Trung đội trưởng dân quân làm Tổ trưởng, Lê Lô, Phạm Chạy, Trần Xự, Nguyễn À… Mỗi lần nhận nhiệm vụ rà phá bom mìn trên sông, dẫu biết rằng sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nhưng các thành viên trong tổ lúc nào cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh để cho những chuyến thuyền, chuyến hàng cập bến an toàn với quyết tâm không gì lay chuyển nổi : "Đầu đội tọa độ, chân đạp thuỷ lôi, quyết tâm đưa hàng lên phía trước"; "miền Bắc hy sinh 1 thì miền Nam đỡ hy sinh 10"; "Thuyền ta thêm 1 vòng quay, miền Nam giảm bớt những ngày đau thương"... Mỗi lần như thế các anh đều được làm lễ truy điệu sống trước khi xuống thuyền.
Trước sự đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, T.Ư cho Khu vực Vĩnh Linh - Quảng Trị đưa trẻ em đi sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Và ngày 21-7-1967, Hội nghị bất thường của Đảng uỷ xã Võ Ninh đã họp, quán triệt chỉ thị của cấp trên và bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ thành lập Đội vượt sông đưa các cháu từ Vĩnh Linh – Quảng Trị sơ tán ra Bắc. Lần vượt sông này, Tổ cảm tử của Nguyễn Xảo lại được làm lễ truy điệu sống. Đây cũng chính là lần thứ 10 Trung đội trưởng Nguyễn Xảo được truy điệu sống. Với tình cảm yêu thương dành cho các cháu và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, các anh đã thành công, các em K8 cũng vượt sông ra Bắc an toàn. Cả 10 lần các anh trở về an toàn.
Với quyết tâm: "… dù có gian khổ, hi sinh đến mấy cũng phải quyết tâm thông xe, thông tuyến…” ngày 13-10-1967, Chi bộ thôn Trúc Ly giao cho đảng viên Nguyễn Xảo, Trung đội phó, phụ trách Tổ dân quân rà phá thủy lôi trên đoạn sông thuộc bến phà 2. Qua nghiên cứu thực địa và nắm quy luật đánh phá của máy bay Mỹ, anh đề xuất phương án dùng ca nô cao tốc lướt trên mặt sông để kích nổ thuỷ lôi kết hợp với tổ đếm bom khơi luồng, thông tuyến. Đồng ý với phương án này, Huyện đội Quảng Ninh đã cấp đầu máy đẩy và cử cán bộ hướng dẫn sử dụng. Tổ cảm tử được làm lễ truy điệu sống tại cây bồ đề chùa Võ Xá trước khi xuống thuyền rà phá thuỷ lôi. Đây cũng chính là lần truy điệu sống lần thứ 11 của Nguyễn Xảo.
Từ ngày 15 đến 19-10-1967 - Tổ cảm tử của Nguyễn Xảo đã lướt được 32 lượt, làm kích nổ hơn 100 quả thuỷ lôi và bom từ trường. 16 giờ ngày 19-10-1967 được trên thông báo, chiều tối sẽ có thuyền chở bộ đội vượt sông vào Nam và có hơn 500 cháu K8 cùng nhân dân Vĩnh Linh - Quảng Trị sơ tán ra Bắc. Để đảm bảo an toàn, Nguyễn Xảo cùng đồng đội quyết định lao thuyền rà phá một lần nữa. Sau khi động viên anh em trong tổ, đích thân anh cầm lái điều khiển ca nô lướt sông phá bom. Thuyền bị trúng thuỷ lôi, Nguyễn Xảo cùng các anh Lê Lô, Nguyễn À anh dũng hy sinh, anh Phạm Chạy và Trần Xự bị thương nặng. Hai ngày sau, khi vớt xác các liệt sỹ, đồng đội vẫn còn nhìn thấy tay của Nguyễn Xảo vẫn ôm chặt cần lái ca nô như khi đang làm nhiệm vụ rà phá thủy lôi trên dòng Nhật Lệ.
Nguyễn Xảo hy sinh vừa tròn 31 tuổi đời, 1 năm tuổi Đảng. Anh ra đi để lại 5 người con còn nhỏ, cùng người vợ trẻ mới ngoài 30 tuổi, nhưng không có một di ảnh để đặt lên bàn thờ mà đốt nhang, thương nhớ. Sự hy sinh anh dũng của anh để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Võ Ninh, Quảng Ninh nói riêng và nhân dân khu vực Quảng Bình, Quảng Trị nói chung.
Để biểu dương tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngày 5-12-2007 - 40 năm sau ngày hy sinh, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Nguyễn Xảo.
Trương Văn Hà