Tác nghiệp ở Trường Sa

Lễ tưởng niệm cán bộ chiến sỹ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa
Máy ảnh, sổ sách, phương tiện ghi âm, thẻ nhớ, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, nghe nói tất cả đều phải có túi chống ẩm và bảo vệ để nước biển không bắn vào mỗi lần lên xuống ca no. Thế rồi ngày xuất phát cũng đã đến, chiếc tàu Hải Quân mang số hiệu 561 hú 3 hồi còi dài chào tạm biệt đất liền, chở đoàn công tác số 7 rời vịnh Cam Ranh ra thăm Quần đảo Trường Sa. Tàu vượt trên một ngàn hải lý, chạy hơn một ngày, một đêm mới đến điểm đảo đầu tiên, đó là đảo Đá Lớn. Đảo Đá Lớn nằm trong hệ thống đảo chìm có vị trí Chính trị, kinh tế và quân sự quan trọng nhưng đều nằm trên nền san hô ngập nước, điều kiện ăn ở sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ chiến sỹ luôn lạc quan, tin tưởng và sẵn sàng chiến đấu cao. Khi đoàn đến đảo Len Đao, nhìn về đảo Gạc Ma không còn xa lắm nữa. Nhắc đến Gạc Ma, người Việt Nam ai cũng tự hào và kiêu hãnh nhớ về 64 cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển dảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Thật cảm phục khi nghe người chỉ huy của đảo Thượng uý Nguyễn Đức Quý cho các nhà báo biêt: Chúng tôi luôn lấy tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của các cán bộ chiến sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma để giáo dục bộ đội nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc trong bất cứ tình huống nào...

Tác nghiệp ở Trường Sa

Trong 10 ngày hành trình, chúng tôi đã đi đến được 11 điểm, đảo thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm đảo Đá Lớn, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Đá Đông, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa, Đá Lát và Nhà giàn DK1 ( khu vực Quế Đường ), thăm và tặng quà động viên cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và nhân dân ở huyện đảo Trường Sa. Đi đến đâu cũng dễ dàng nhận ra cuộc sống của cán bộ chiến sỹ trên các đảo đã được nâng lên rất nhiều, tuy phải sống xa gia đình quê hương nhưng khi được tiếp xúc, ai cũng bày tỏ tình cảm một lòng gắn bó với đảo, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ.
Ấn tượng nhất của tôi trong chuyến đi này là được một lần tham dự lễ chào cờ trên đảo Trường Sa, đây là một việc làm rất bình thường của quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhưng với tôi thật sự thiêng liêng và xúc động. Ngoài các đại biểu, còn có bà con nhân dân huyện đảo Trường Sa, trong đó có các cháu thiếu nhi được sinh ra ngay từ trên đảo. Các cháu tập hát Quốc ca theo bố mẹ, tập đi đều với các chú bộ đội trông thật ngộ nghĩnh, đây là những công dân " nhí " sẽ tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Trung tá Đỗ Bá Tuyến, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước, cơ sở vật chất trên đảo ngày càng được củng cố, nơi ăn ở gọn gàng, đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ngày càng được nâng cao.

  • Phỏng vấn trên đảo*

Bên cạnh được dự lễ chào cờ trên đảo thì 2 lần tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn ĐK1 đã gây xúc động thật sự. Lễ tưởng niệm diễn ra trên boong tàu, có đầy đủ hoa, quả và bàn thờ nghi ngút khói hương, tất cả sau đó đều được di chuyển rất nhẹ nhàng để gửi vào lòng biển cả, nơi các anh mãi mãi yên nghỉ. Các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã để lại cho thế hệ hôm nay bài học về lòng dũng cảm, ý chí quật cường, tinh thần sẵn sàng chiên đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và Nhà giàn DK1.
Tôi đã chụp được hàng ngàn bức ảnh, thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn, nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất là khi gặp một người con quê hương Hà Tĩnh trên đảo Đá Đông A, đó là Đại uý Nguyễn Thái Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A quê ở xã Kỳ Hưng, Thị xã Kỳ Anh. Mặc dù phải lo thay mặt chỉ huy đảo tổ chức tiếp nhận quà tặng và hướng dẫn đoàn thăm đảo, nhưng khi nghe tin có người cùng quê đi trong đoàn, anh vội vã chạy tới ôm chầm lấy tôi. Trong giây phút xúc động, tôi đã để cho những giọt nước mắt tự nhiên tuôn chảy. Tôi hỏi Sơn rất nhiều về tình hình anh em trên đảo, về gia đình vợ con và có lời nhắn gửi gì về nhà không? Sơn nhìn tôi rồi cười: ở đây chúng em điện thoại về nhà suốt mà anh, tin tức thời sự ở quê nhà chúng em đều nắm được, biết biển quê mình đã được hồi sinh, biết xã Kỳ Hưng đã về đích nông thôn mới, mừng lắm anh ơi. Vợ chồng em đã có 2 cháu, đứa thứ 2 sinh ra vì nhiệm vụ ngoài đảo xa, bố con chưa gặp mặt nhau. Anh cho em gửi về đất liền quê hương những tình cảm thân thương nhất của cán bộ chiên sỹ đảo Đá Đông A, tất cả chúng tôi quyết vững vàng tay súng, không nề hy sinh gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là những người con của quê hương Hà Tĩnh anh hùng.

Tác nghiệp tại Nhà giàn ĐK1

Kết thúc cuộc hành trình, các nhà báo được vinh dự phỏng vấn Chuẩn Đô đôc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, phó đoàn công tác số 7, ông cho biết: Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, các Bộ ngành Trung ương và địa phương, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài làm cho tiềm lực và diện mạo của các đảo trên Quần đảo Trường Sa có sự thay đổi đáng kể. Đáp lại tình cảm tin tưởng của Đảng và nhân dân, Quân chúng Hải quân đã tuyển truyền giáo dục, rèn luyện cho cán bộ chiến sỹ xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Toàn Quân chủng là một khối đoàn kết thống nhất, tịch cực chủ động, sáng tạo, mạnh dạn tham mưu đề xuất với cấp trên và khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng Trường Sa ngày càng phát triển, thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về đạo đức lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, và luôn nêu cao tinh thân cảnh giác để chủ động trong bất cứ mọi tình huống…”
PV