Tác động độc hại của lá Khát
Đại tá Phạm Văn Điềm - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP. Hải Phòng cho biết, đây là loại chất tiền ma túy cực độc và lần đầu tiên được phát hiện xâm nhập vào Hải Phòng... Theo Đại tá Phạm Văn Điềm, lá “Khát” có nhiều tên gọi khác nhau, song giới mua bán và sử dụng loại ma túy này ở một số quốc gia thường gọi nó với tên mỹ miều là lá “thiên đường”, có tên khoa học là “Catha edulis”. Đây là một loại cây được trồng lâu năm tại một số nước châu Phi. Mặc dù đã được khuyến cáo việc sử dụng lá Khát gây tác hại, nguy hiểm đến sức khỏe, song vì lợi nhuận người dân nhiều nước khu vực châu Phi đã bỏ các giống cây trồng lương thực khác để trồng loại cây gây nghiện này.
Thông qua trao đổi thông tin phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy, nhiều nước trên thế giới đã liệt lá Khát vào danh mục ma túy cực kỳ nguy hiểm. Thông thường, người sử dụng chỉ cần nhai lá tươi, hút lá khô, pha trà uống hoặc rắc vào thức ăn cũng dẫn tới bị gây nghiện nặng. Người sử dụng rất khó dứt bỏ, thậm chí bị hoại tử dần xương tủy và gây ra nhiều căn bệnh khó chữa và tàn khốc khác.
Nghiên cứu của Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) còn cho thấy: Lá Khát có chứa chất Cathinone. Sử dụng loại thảo dược này sẽ tạo ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, có hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực; có những hành động như leo lên đỉnh nóc tòa nhà cao hàng trăm mét nhảy xuống, nhìn người đối diện chỉ muốn ra tay sát hại hoặc muốn tự tử.
Mức độ nguy hiểm của lá Khát lớn gấp nhiều lần ma túy “đá” và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Đây là mặt hàng Nhà nước quản lý rất chặt, hạn chế nhập khẩu.
Trần Thịnh